Dưới đây là 3 bài tập đơn giản cho những người mắc bệnh tiểu đường, giúp nâng cao sức khoẻ và tăng cường kiểm soát đường huyết.
Đi bộ tốt cho người bệnh tiểu đường
Nếu trong khoảng thời gian dài mà người bệnh tiểu đường không hoạt động, thể lực lại yếu thì dùng cách đi bộ cho giãn gân cốt, thông kinh mạch. Nên đi với tốc độ 60 – 100 bước/ phút, đi từ từ, hít thở sâu mỗi lần ở nơi bằng phẳng, yên tĩnh, không khí trong lành, không nên đi sau ăn hoặc trước khi ngủ. Vừa đi vừa xoa bụng, rất tốt cho người mắc tiểu đường bị bí tiện.
Một số cách đi bộ có thể tham khảo:
– Đường bằng phẳng 200 – 600m: Tốc độ 100m/2 – 3 phút, cứ đi được 100m lại nghỉ từ 2 – 3 phút.
– Đường bằng 400 – 800m: Tốc độ 100m/ 3 – 4 phút, sau 100 – 200m lại nghỉ 3 – 4 phút.
– Đường 800 – 1500m: Đi trong khoảng 15 – 18 phút, nghỉ chừng 1 – 3 lần, mỗi lần 3 – 5 phút.
– Hai đoạn, mỗi đoạn 1000m: Đi bộ trong khoảng 10 – 20 phút/ mỗi đoạn, nghỉ giữa chừng 1 – 3 lần, mỗi lần 3 – 5 phút.
– Đường 2000m: Đi trong 20 – 30 phút, không nghỉ hoặc chỉ nghỉ 1 – 2 lần.
Nên bắt đầu bài tập với quãng đường ngắn, duy trì trong 1 tháng thì tăng dần khoảng cách.
Chạy chậm giúp nâng cao khả năng miễn dịch
Chạy chậm rất tốt cho người già, làm chậm sự lão hóa, giúp cho cơ thể trẻ trung. Đơn giản dễ làm không bị giới hạn bởi tuổi tác, giới tính hay tình trạng sức khỏe, chạy chậm trong thời gian 20 phút có thể nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. Không chỉ vậy, bài tập này còn giúp cải thiện chức năng của các cơ quan bộ phận quan trọng như: tim, phổi; giúp hạ mỡ máu; tăng cường khả năng trao đổi chất; nâng cao khả năng miễn dịch; kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, chạy chậm còn giúp điều chỉnh quá trình hưng phấn và ức chế của vỏ đại não; thúc đẩy nhu động ruột, dạ dày, giúp tăng cường quá trình tiêu hóa… vì vậy chạy chậm rất tốt cho người bệnh tiểu đường và người cao tuổi. Đây cũng là một phương pháp chữa bệnh tiểu đường rất hiệu quả.
Trước khi chạy phải khởi động 3-5 phút với tốc độ 100-200m/phút và chạy trong 10 phút là thích hợp nhất. Tư thế tốt nhất khi chạy là: hai tay nắm lại, cánh tay thả lỏng tự nhiên, chân không nhấc quá cao, trọng tâm cơ thể phải ổn định, bước chạy nhịp nhàng, tiếp đất bằng mũi bàn chân. Sau khi chạy phải làm vài động tác thư giãn.
Chạy là vận động toàn thân nên không cần nhanh, cần phối hợp với hít thở đều, vừa chạy vừa hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng. Khi chạy người hơi đưa nhẹ về phía trước, thả lỏng cơ bắp, chân tiếp đất nhẹ nhàng, thân thẳng, người cân bằng, mắt nhìn thẳng phía trước, hai vai tự do, khủy tay hơi gập lại, toàn thân thả lỏng thoải mái.
Không nên dừng lại đột ngột mà hãy chạy chậm dần rồi dừng lại, thở đều, toàn thân thoải mái, hít thở sâu vài lần, hai tay xoa mặt, tai để máu lưu thông. Chạy một ngày một lần hoặc cách ngày vào buổi sáng là tốt nhất.
Liệu pháp tự xoa bóp giúp kiểm soát đường huyết tốt cho người bệnh tiểu đường
– Xoa bóp vùng da đầu và hai má chừng vài phút: Xoa da đầu có ảnh hưởng gián tiếp đến hệ thần kinh. Qua xoa bóp, thông qua phản xạ của hệ thần kinh để điều tiết trung khu thần kinh và cân bằng tương đối hệ thần kinh thực vật ở vỏ đại não, từ đó thúc đẩy in-sulin phát huy tác dụng một cách bình thường.
– Xoa vùng bụng trên và dưới trong khoảng 20 phút: Giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn lưu thông máu, nhu động của dạ dày, ruột đẩy nhanh tiêu hóa và hấp thu, cải thiện dinh dưỡng cho tụy, điều chỉnh được việc cung cấp máu không đủ cho tuyến tụy, thuận lợi cho việc điều tiết in-sulin của tuyến tụy.
– Đẩy dọc hai bên sống lưng lên xuống trong 10 phút: Sẽ làm tác động lên hai bên kinh lạc và các huyệt vị, giúp tăng cường phản xạ thần kinh, có thể phát huy và điều chỉnh tác dụng của in-sulin.
– Xoa bóp tứ chi: Xoa bóp cơ ở tứ chi phần xa tim trở vào gần tim để cải thiện tuần hoàn máu, thúc đẩy trao đổi chất ở các tổ chức, tăng khả năng hấp thu đường của tế bào. Ngoài ra còn cải thiện được chức năng thận và việc thải loại chất cặn bã ra ngoài. Tự xoa bóp 1-2 lần/ngày, duy trì lâu để có hiệu quả tốt nhất và tránh các biến chứng tiểu đường.
Minh Ngọc
Source: clbtieuduong.com