Thời tiết nắng nóng và sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ trong nhà ra ngoài trời là nguyên nhân khiến các dây thần kinh cảm giác bị kích thích. Sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng khiến các mô như gân, dây chằng trong khớp giãn ra và co lại. Người mắc các bệnh xương khớp dễ bị đau mỏi cơ, khớp, đau lưng, đau cổ gáy thường xuyên hơn. Điểm danh 4 bệnh khiến tình trạng xương khớp đau nhức trở nặng khi trời nắng nóng.
- Viêm khớp:
Người bệnh viêm xương khớp hoặc viêm khớp dạng thấp thường dễ bị đau nhức khi thời tiết thay đổi, nhất là lúc mưa nhiều, ẩm ướt. Cơn đau khớp cũng có thể tồi tệ hơn vào những ngày nóng.
Nghiên cứu của các nhà khoa học ở châu Âu đã chỉ ra rằng thời tiết nóng ảnh hưởng đến tình trạng đau khớp của người lớn tuổi viêm xương khớp. Nhiệt độ và độ ẩm thay đổi có thể tác động đến các khớp và gây đau.
- Bệnh đa xơ cứng:
Bệnh đa xơ cứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh của não và tủy sống, gây ra các triệu chứng như đau thần kinh, đau lưng, co thắt cơ và đau dây thần kinh sinh ba.
Trong những ngày hè, người mắc bệnh đa xơ cứng sẽ có cảm giác đau nhiều hơn. Sức nóng có thể làm trầm trọng tế bào thần kinh vốn đã bị tổn thương ở người bệnh, sau đó, gây ra các triệu chứng đa xơ cứng. Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất khi nhiệt giảm bớt.
- Đau cơ xơ hóa:
Khoảng 80% người bệnh đau cơ xơ hóa trầm trọng hơn khi nhiệt độ tăng. Đây là kết luận rút ra từ nghiên cứu của Đại học Oregon (Mỹ) khi theo dõi hơn 2.500 người dân ở quốc gia này.
- Lupus ban đỏ:
Lupus gây viêm và tổn thương trên diện rộng, tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh lý mạn tính này gây đau mạn tính, cứng khớp, mệt mỏi, suy giảm nhận thức và phát ban trên da. Người bệnh lupus ban đỏ sẽ nhận thấy các triệu chứng trầm trọng hơn khi tiếp xúc với tia UV từ ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng nhân tạo.
Người bệnh cần chú ý và thực hiện các biện pháp giảm đau khớp như sau:
– Thường xuyên vận động: Tập các bài tập nhẹ nhàng cho khớp như yoga, bơi lội giúp xây dựng sức mạnh cơ bắp và xương, giúp giảm đau khớp.
– Giãn cơ mỗi khi tập luyện: Duỗi người thường xuyên và tập yoga để tăng tính linh hoạt và duy trì sức khỏe khớp.
– Giữ không khí mát mẻ: Sử dụng điều hòa hoặc có phòng ốc thông thoáng để giảm viêm khớp. Mặc quần áo rộng rãi và sử dụng chất liệu tự nhiên sẽ có lợi cho khớp.
– Chế độ ăn uống lành mạnh: Các loại thực phẩm như trà xanh, quả mọng, bông cải xanh và ngũ cốc nguyên hạt có thể giảm viêm. Bổ sung những thực phẩm này vào chế độ ăn uống giúp giảm đau khớp.
– Uống đủ nước: Điều quan trọng để giữ cơ thể khỏe mạnh. Tránh đồ uống có cồn để không gây mất nước và làm cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
– Cân nhắc sử dụng thuốc chống viêm: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giảm sưng sau cơn đau khớp. Tuy nhiên, nên thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng.