Cơn thiếu máu não thoáng qua được coi là dấu hiệu cảnh báo quan trọng của đột quỵ. Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, khoảng 40% người từng trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ phải đối mặt với một cơn đột quỵ.
Thiếu máu não là tình trạng khi lưu lượng máu lên não giảm, không cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho một số vùng não. Nguyên nhân thường do mạch máu bị xơ cứng, lòng mạch bị hẹp lại hoặc do bệnh lý từ tim gây tắc nghẽn mạch máu não. Tình trạng tắc nghẽn này thường xảy ra vì hệ thống mạch máu não chủ yếu là mạch máu tận, rất nhỏ và dễ bị tổn thương.
Thiếu máu não mạn tính thường phổ biến sau tuổi 55, nhưng có thể xuất hiện sớm ở những người trẻ có các yếu tố nguy cơ như xơ vữa mạch máu, tiểu đường, rối loạn lipid máu, sống và làm việc trong môi trường căng thẳng, ô nhiễm… Triệu chứng thiếu máu phụ thuộc vào mức độ thiếu máu và chức năng của các tế bào não mà mạch máu đó nuôi dưỡng, có thể là yếu liệt tay chân, méo miệng, khó nói, nói đậm, tê nửa người, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt… Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như giảm khả năng tập trung, “trục trặc” về trí nhớ cho đến những triệu chứng nghiêm trọng như rối loạn nhận biết, mất trí nhớ kiểu như bệnh Alzheimer.
Cơn thiếu máu não thoáng qua là tình trạng khá phổ biến, nhưng không phải ai cũng nhận thức được tính nghiêm trọng của tình trạng này. Nhiều người bị thiếu máu não thoáng qua, sau một hai lần không có hậu quả nghiêm trọng, có thể coi thường, không chịu theo dõi và tầm soát các yếu tố nguy cơ. Đến khi gặp tai biến thật sự, thì đã quá trễ.
Các tổn thương thường bắt đầu từ thành mạch – nơi gốc tự do được sản sinh rất nhiều trong quá trình chuyển hóa tại lớp nội mạc. Với tính chất không ổn định, gốc tự do cướp electron từ các nguyên tử xung quanh, gây tổn thương cấu trúc tế bào thành mạch, dẫn đến hình thành và phát triển các mảng xơ vữa, huyết khối cản trở lưu thông máu. Nếu vị trí tắc nghẽn được mở khóa ngay, người bệnh có thể phục hồi sau vài phút, nhưng nếu kéo dài thì sẽ gây tai biến.
Ngoài ra, tình trạng giảm lưu lượng máu đến não cũng làm tổn thương cấu trúc hoặc gây chết tế bào thần kinh não, gây ra nguy cơ sa sút trí tuệ với các bệnh lý như giảm trí nhớ, hay quên, Alzheimer… Một nghiên cứu ở Hà Lan cho thấy nhóm bệnh nhân lớn tuổi bị sa sút trí tuệ có lưu lượng máu lên não thấp hơn nhiều so với nhóm cùng độ tuổi có chức năng não bình thường và nhóm trẻ tuổi.
Lý thuyết cho thấy chỉ sau 4 hoặc 5 phút không nhận được oxy và dưỡng chất, tế bào não đã bị hủy hoại và không phục hồi lại được. Trong các cơn thiếu máu não và tai biến, khi một mạch máu bị tắc nghẽn, các mạch máu xung quanh có thể “chi viện”, nhưng thời gian chịu đựng không quá lâu. Vì vậy, việc xử lý, thăm khám và điều trị giải quyết cục máu đông chỉ mang lại hiệu quả tốt nhất trong 3-4 giờ đầu.
Khi gặp các dấu hiệu như choáng váng kèm theo yếu liệt một bên, rối loạn cảm giác, méo mặt, khó nói…, cần nghĩ ngay đến cơn thiếu máu não thoáng qua, thậm chí là nhồi máu não. Việc cần làm ngay lập tức là đưa người bệnh đến cơ sở y tế có đủ trang thiết bị thăm khám, làm xét nghiệm để xác định chẩn đoán tai biến mạch máu não, tầm soát yếu tố nguy cơ và có biện pháp điều trị phù hợp.
Để giảm nguy cơ thiếu máu não và các bệnh lý mạch máu não khác, mỗi người cần có chiến lược phòng bệnh cho mình ngay từ sớm. Điều này bao gồm việc duy trì chế độ ăn uống và vận động khoa học, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng. Cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: điều trị tốt cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, loạn nhịp tim…