Men gan là nhóm enzyme hoàn chỉnh do gan sản xuất, hỗ trợ gan thực hiện chức năng như sản xuất mật, đào thải độc tố, chuyển hóa dưỡng chất cho cơ thể. Chỉ số men gan tăng cao thường cảnh báo chức năng gan hoạt động không bình thường, tế bào gan có khả năng tổn thương viêm, hủy hoại nhu mô gan. Khi các tế bào gan tổn thương, men gan giải phóng vào máu nhiều hơn bình thường, gây tăng men gan.
Men gan tăng cao so với bình thường 1-4 lần là nhẹ; 5-10 lần ở mức tăng trung bình, bắt đầu tổn hại đến gan; tăng 10-20 lần là nặng, cho thấy gan suy yếu nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp cải thiện, tình trạng tổn thương nặng hơn. Dưới đây là 6 yếu tố khiến men gan tăng cao bất thường.
- Virus gây viêm gan: Viêm gan A, B, C, E… đều có thể là nguyên nhân gây men gan cao. Những loại virus này xâm nhập vào cơ thể làm tổn thương tế bào gan, tăng sản xuất men gan. Virus viêm gan cũng là yếu tố dẫn đến bệnh viêm gan và có thể diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan. Biểu hiện của những bệnh này bao gồm men gan tăng cao, mệt mỏi, chán ăn, ăn không tiêu, vàng da, vàng mắt…
- Gan nhiễm mỡ: Có hai dạng chính là gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu. Mỡ tích tụ ở gan quá 5% ở người không sử dụng rượu thường do chế độ ăn uống thừa mỡ động vật, chất bột đường thừa chuyển hóa thành mỡ, biến chứng của bệnh tiểu đường type 2, các bệnh rối loạn chuyển hóa. Gan nhiễm mỡ là nguyên nhân khiến men gan tăng cao. Triệu chứng gồm vàng da, béo phì, đau bụng trên bên phải, buồn nôn.
- Lạm dụng bia rượu: 90% bia rượu khi đi vào cơ thể sẽ đi thẳng đến gan. Nếu uống rượu bia quá nhiều trong thời gian ngắn, gan không xử lý kịp, gây áp lực cho cơ quan này. Chất cồn còn thúc đẩy quá trình các vi khuẩn, chất độc từ ruột di chuyển vào gan làm tích tụ nhiều độc tố hơn. Khi chất độc nạp vào cơ thể quá tải khiến tế bào kupffer (đại thực bào thực hiện các phản ứng miễn dịch tại xoang gan) hoạt động quá mức tạo ra các chất gây viêm như leukotriene, interleukin, TNF-α, TGF-β… làm tổn thương và hoại tử tế bào gan. Tế bào gan tổn thương càng nhiều thì phóng thích càng nhiều men gan vào trong máu, tăng nồng độ men gan.
Chế độ ăn uống mất cân đối: Ăn uống thừa chất béo, đồ ngọt như bánh, kẹo, mứt cũng làm tăng lượng đường fructose trong cơ thể. Fructose nếu tích trữ quá nhiều khiến gan không thể chuyển hóa hết, dẫn đến hình thành chất béo tích tụ trong gan, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Thói quen ăn các món chiên xào ở nhiệt độ cao cũng có thể sinh ra nhiều hợp chất như acrylamide, gây hại cho gan. Thực phẩm có tồn dư chất độc từ thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng hay aflatoxin sinh ra do nấm mốc là yếu tố khiến các tế bào gan suy yếu, tăng chỉ số men gan.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số loại thuốc điều trị như acetaminophen, thuốc kháng sinh và thuốc giảm cholesterol, các chất bổ sung như sắt, vitamin A cũng có thể là nguyên nhân.
Bệnh lý: Chỉ số men gan tăng cao có thể do các bệnh lý khác như xơ gan, ung thư gan, hội chứng chuyển hóa (cao huyết áp, đường huyết cao, rối loạn mỡ máu), viêm gan tự miễn, các bệnh về đường mật, bệnh thừa sắt (Haemochromatosis). Các hội chứng như hội chứng Wilson (hội chứng rối loạn chuyển hóa đồng), bệnh tan máu (Hemolysis), nhiễm Cytomegalovirus… có thể khiến men gan tăng.
Men gan tăng là dấu hiệu bất thường về gan. Người bệnh nên đi khám để bác sĩ xét nghiệm, kiểm tra chức năng gan dẫn đến men gan tăng cao, từ đó có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Điều trị tăng men gan và những bệnh lý về gan khác phải theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng thuốc.
Để điều trị đạt kết quả, người bệnh cần kết hợp xây dựng lối sống lành mạnh, duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, cân nặng ở mức thích hợp, hạn chế rượu bia, thuốc lá. Tiêm vaccine phòng viêm gan siêu vi B từ sớm và tiêm theo đúng phác đồ khuyến cáo. Hạn chế tiếp xúc với tác nhân lây bệnh như không sử dụng đồ dùng cá nhân với người khác như kim tiêm, đồ cắt móng, dao cạo râu, ăn chín, uống sôi để hạn chế khả năng lây nhiễm virus viêm gan.