Du lịch là một cách để giải tỏa căng thẳng và tái tạo lại năng lượng sau thời gian làm việc và học tập. Tuy nhiên, khi đi du lịch, một số yếu tố có thể gây ảnh hưởng xấu đến khớp, đặc biệt là với những người có sẵn bệnh lý xương khớp.
Khi ngồi lâu trong tư thế không thoải mái trên máy bay, tàu, xe, quá trình lưu thông máu trong cơ thể bị ảnh hưởng, gây tê mỏi, cứng khớp, đặc biệt là vùng chậu và chi dưới. Ngoài ra, đi lại nhiều địa điểm, mang hành lý nặng, trekking dài ngày, leo núi mạo hiểm nhưng không nghỉ ngơi đủ cũng khiến các khớp hoạt động quá mức, tăng nguy cơ chấn thương và gây đau nhức.
Thay đổi môi trường, nhiệt độ, áp suất, độ ẩm không khí cũng ảnh hưởng đến hệ thống cảm nhận của hệ cơ xương khớp. Ví dụ, di chuyển đến môi trường lạnh sẽ làm thay đổi áp lực trong dòng máu và độ quánh của máu, thay đổi dung môi trong cơ thể, khiến bệnh nhân xương khớp dễ tái phát cơn đau.
Ngoài ra, việc thử các món ăn độc lạ của địa phương, thực phẩm chế biến sẵn, uống nhiều rượu bia… khi đi du lịch có thể gây phản ứng viêm ở một số người, làm tăng nguy cơ đau nhức khớp và cản trở chuyến du lịch.
Để chuẩn bị cho chuyến đi du lịch, mỗi người nên tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình trước vài tuần. Nếu xương khớp không ổn định, nên chọn điểm đến ít mạo hiểm như đồng bằng, bãi biển hoặc khu nghỉ dưỡng. Nên tìm hiểu kỹ về thời tiết của điểm đến và hạn chế du lịch đến các khu vực quá lạnh hoặc quá nóng đối với người lớn tuổi.
Việc chọn chỗ ngồi thoải mái trên phương tiện giao thông và ưu tiên sử dụng vali, xe đẩy hành lý cũng giúp giảm áp lực cho khớp. Nên lựa chọn trang phục và giày thoải mái và có thể chuẩn bị thêm túi chườm nóng/ lạnh để hỗ trợ giảm đau cơ, đau khớp cấp tính.
Trong thời gian du lịch, cần sắp xếp lịch trình và tham quan vừa phải, không cố gắng quá sức để tránh mệt mỏi và tăng nguy cơ gặp chấn thương không đáng có. Nếu tham gia các hoạt động mạo hiểm, nên đảm bảo có các thiết bị trợ lực và bảo hộ an toàn. Riêng với bệnh nhân xương khớp, nên hạn chế tham gia các bộ môn mạo hiểm này.
Nếu có tiền sử viêm khớp, nên chọn các món quen thuộc thay vì “thử các món ăn quá lạ và các món dễ kích hoạt cơn đau như đồ ngọt, đồ chiên rán, gạo nếp, đồ uống chứa cồn. Luôn nhớ chuẩn bị các loại thuốc điều trị cần thiết (nếu có) và các sản phẩm hỗ trợ nguồn gốc thảo dược như Thiên niên kiện, cốt toái bổ, bạch chỉ giúp tăng cường sức khỏe, mạnh gân cốt.