Gừng từ lâu đã được sử dụng như loại thảo dược giúp giảm buồn nôn, hạ sốt, làm dịu hệ tiêu hóa… Nhiều nghiên cứu cho thấy gừng có thể cải thiện chức năng xương khớp. Dưới đây là những tác dụng hữu ích của gừng.
Tốt cho xương
Gừng chứa các chất chống viêm, chống oxy hóa, kali, magie, selen và phốt pho có lợi cho xương. Gừng còn hỗ trợ tăng cường tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng tạo xương trong thực phẩm. Rễ gừng chứa các hợp chất chống viêm có thể giảm đau, sưng và tổn thương mô.
Giảm đau
Theo nghiên cứu năm 2010 của Trường Đại học Bang Georgia (Mỹ), gừng có thể hỗ trợ giảm đau cơ do tập luyện sau một ngày hoặc hơn. Kết luận này phân tích dữ liệu trên 74 người lớn thường xuyên thực hiện các bài tập nhằm gây đau cơ và viêm. Trong 11 ngày, người tham gia ăn 2 g gừng mỗi ngày hoặc dùng giả dược. Cuối cùng nhóm sử dụng gừng giảm khoảng 25% cơn đau cơ trong một ngày do tập thể dục.
Cải thiện chức năng khớp
Theo các nhà khoa học Trường Đại học Arizona và Đại học Kansas (Mỹ), tinh dầu gừng có chứa terpen với hoạt tính phytoestrogenic góp phần ngăn ngừa và điều trị viêm khớp mạn tính. Nghiên cứu công bố năm 2016 với dữ liệu thử nghiệm trên chuột bị viêm khớp.
Nghiên cứu khác từ Trường Đại học Anthony (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng cho thấy gừng chứa gingerol có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa. Do đó, uống trà gừng giúp giảm viêm, giảm đau, cải thiện chức năng khớp.
Để hấp thụ lợi ích từ gừng, có thể dùng dưới dạng bột, chiết xuất, viên nang hoặc tinh dầu. Nên dùng khoảng 250 mg gừng cho 3-4 lần mỗi ngày.
Hỗ trợ giảm cân
Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao có thể gây áp lực lên đầu gối, tăng khả năng đau khớp và chấn thương. Gừng hỗ trợ giảm cân bằng cách tăng cường đốt cháy chất béo, ức chế sự hấp thụ chất béo trong đường tiêu hóa và giảm cảm giác thèm ăn.
Theo nghiên cứu năm 2019 của Trường Đại học Shiraz (Iran) và Đại học Alberta (Canada), ăn gừng giúp giảm đáng kể cân nặng và vòng eo ở người thừa cân hoặc béo phì.
Gừng thường an toàn với nhiều người nhưng có thể không phù hợp với người có tiền sử sỏi thận oxalate, thường xuyên ợ chua, trào ngược axit. Người có huyết áp thấp hoặc đang dùng thuốc điều trị huyết áp nên tiêu thụ gừng vừa phải. Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nếu dùng gừng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Không nên lạm dụng củ này vì dễ gây tác dụng phụ như khó chịu ở bụng, ợ nóng, tiêu chảy, kích thích trong miệng và cổ họng.