Khi cồn từ rượu bia được hấp thụ vào cơ thể, chỉ có khoảng 10% lượng này được loại bỏ thông qua đường tiểu, mồ hôi, và hơi thở. Còn lại 90% cồn được tế bào gan xử lý, loại bỏ độc tố trước khi được tiếp tục thải ra ngoài.
Trong một giờ, gan chỉ có khả năng xử lý một lượng cồn nhất định. Khi bạn tiêu thụ rất nhiều rượu bia, gan không thể sản xuất men xử lý cồn đủ nhanh, dẫn đến tích tụ cồn trong cơ thể. Điều này kích hoạt tế bào Kupffer trong gan làm việc quá sức, sản xuất nhiều chất gây viêm hại. Theo thời gian, tế bào gan bị tổn thương, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như nhiễm mỡ gan, viêm gan, xơ gan và nguy cơ ung thư gan.
Các chuyên gia đã hướng dẫn một số cách để giảm tác động của cồn đối với gan và sức khỏe tổng thể:
- Uống nhiều nước lọc và nước dừa: Rượu bia là chất lợi tiểu, làm cho cơ thể mất nước sau khi tiêu thụ. Việc uống nhiều nước lọc sau khi uống rượu bia giúp khôi phục lượng nước đã mất, duy trì hoạt động gan, và tăng khả năng loại độc. Có thể cân nhắc uống thêm nước dừa để cung cấp nhiều chất điện giải cho cơ thể. Tuyệt đối tránh uống quá nhiều nước một lúc, thay vào đó, nên chia nhỏ để cơ thể có thời gian hấp thụ dần.
- Sử dụng nước ép cà chua: Nước ép cà chua chứa nhiều vitamin như C và E, folate, kali, natri, thiamin và chất xơ. Uống một ly nước ép cà chua sau khi uống rượu và có triệu chứng say và buồn nôn có thể giúp cung cấp năng lượng, giảm mệt mỏi. Nghiên cứu cũng cho thấy hợp chất lycopene trong cà chua có khả năng ngăn ngừa nhiễm mỡ gan, viêm gan và ung thư gan do rượu.
- Bổ sung rau xanh và hoa quả: Rượu cản trở sự hấp thụ của các vitamin và chất cần thiết khác trong cơ thể, và cơ thể cũng mất nước khi tiêu thụ cồn. Bổ sung rau xanh và hoa quả tươi giúp cung cấp nước, cũng như vitamin và khoáng chất cần thiết. Các loại rau xanh giàu chất xơ có thể giúp làm sạch đường ruột và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình loại độc tự nhiên. Trong khi đó, các loại trái cây như cam, quýt, bưởi, kiwi… giàu vitamin C và chất chống oxi hóa, giúp tăng sự tỉnh táo, cung cấp năng lượng, và thúc đẩy quá trình phục hồi.
- Ngủ đủ giấc: Rượu có thể ảnh hưởng đến thời lượng và chất lượng giấc ngủ, làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi và cơ thể đau nhức. Ngủ đủ giấc sau khi tiêu thụ rượu giúp cơ thể có thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi, giảm mệt mỏi.
- Bổ sung các dưỡng chất thiên nhiên: Một số chất tự nhiên như wasabia và s. marianum có thể hỗ trợ kiểm soát tế bào Kupffer trong gan, giảm sản xuất các chất gây viêm, và tăng khả năng loại độc của gan.
Cuối cùng, việc hạn chế tiêu thụ rượu bia là quan trọng nhất. Nam giới nên giới hạn việc uống không quá hai đơn vị cồn mỗi ngày, trong khi nữ giới chỉ nên tiêu thụ một đơn vị cồn mỗi ngày. Để có cái nhìn cụ thể, một đơn vị cồn tương đương với 3/4 lon bia 330 ml, một ly rượu vang 100 ml hoặc một ly rượu mạnh 30 ml.
Sau khi tiêu thụ rượu, tránh tắm nước lạnh, uống cà phê, nước tăng lực hoặc nước ngọt, vì có thể làm cho tình trạng say nặng hơn. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu ngộ độc rượu nào như nôn nhiều, thở chậm, thở yếu, nhịp thở không đều, thân nhiệt thấp, da nhợt nhạt, hoặc mất ý thức, hãy đến cơ sở y tế gấp để phòng tránh tình trạng ngộ độc rượu.