Thiếu máu não là tình trạng lưu lượng máu lưu thông lên não suy giảm, thiếu hụt oxy và các dưỡng chất cần thiết để não hoạt động. Tùy mức độ, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe như giảm chức năng não, chết tế bào não, đau đầu, khó ngủ, giảm trí nhớ, đột quỵ, tử vong.
Theo các chuyên gia, thiếu máu não là nguyên nhân gây tử vong cao thứ ba thế giới, chỉ xếp sau ung thư và bệnh tim mạch. Mặc dù não bộ chỉ chiếm khoảng 2% khối lượng cơ thể nhưng lại tiêu thụ đến 20% lượng oxy trong máu, nhiều hơn bất kỳ cơ quan nào khác. Trong vòng 10 giây không nhận được lượng máu cần thiết, các mô não dễ bị rối loạn. Vài phút sau, các tế bào thần kinh chết dần và không thể phục hồi.
Bệnh thiếu máu não ở người trẻ tuổi có các biểu hiện dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Tùy vào mức độ thiếu máu não và tình trạng sức khỏe mà người bệnh có thể gặp các dấu hiệu liên quan. Các dấu hiệu thiếu não thường tương tự nhau ở mọi độ tuổi, tuy nhiên mức độ ở người cao tuổi có thể nặng hơn. Dưới đây là 5 dấu hiệu điển hình thường gặp ở người trẻ bị thiếu máu não:
- Đau đầu: Đây là dấu hiệu điển hình của thiếu máu não ở người trẻ. Cơn đau đầu thường bắt đầu từ cảm giác đau nhói ở một vùng cố định sau đó lan rộng ra. Người bệnh cũng có thể khó ngủ.
- Hoa mắt, chóng mặt và rối loạn thăng bằng: Biểu hiện này thường đi kèm với hội chứng tiền đình, buồn nôn và nôn.
- Rối loạn thị giác: Thị giác thay đổi hay giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt. Người bệnh có thể nhìn đôi (song thị), xảy ra khi mắt bị lệch hoặc không thể nhìn cùng hướng vào một vật thể. Khi đó, cả hai hình ảnh đều được gửi đến não, khiến người bệnh cùng lúc nhìn thấy hai hình ảnh khác nhau.
- Tê bì, mất cảm giác: Tùy vào mức độ thiếu máu lên não, người trẻ có thể mất cảm giác ở một bên hoặc cả hai bên cơ thể, tê bì chân, tay.
- Dấu hiệu khác: Thiếu máu não ở người trẻ còn bao gồm các biểu hiện suy nhược, ù tai, giảm thính lực, giảm ý thức, suy giảm khả năng phối hợp và giữ thăng bằng. Một số người có thể khó nói chuyện, đột nhiên nói lắp bắp. Người bệnh có thể mất phương hướng hoặc nhầm lẫn những vấn đề được xem là đơn giản trong cuộc sống.
Dấu hiệu thiếu máu não ở người trẻ thường thoáng qua, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Người bệnh không nên chủ quan và cần sớm đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Bên cạnh đi khám, người trẻ tuổi cần duy trì thói quen sinh hoạt, vận động, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh làm việc quá sức, ngủ đủ, tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hạn chế lạm dụng cà phê, rượu bia, tránh hút thuốc lá. Tăng cường hấp thu kali, magie, vitamin nhóm B, omega 3 từ rau củ quả, cá béo. Bổ sung các thảo dược như bạch quả, đinh lăng giúp hỗ trợ tăng lưu lượng tuần hoàn máu lên não.