Thời gian này, miền Bắc bước vào đợt rét đậm do nhiệt độ giảm sâu. Theo các chuyên gia, thời tiết lạnh có thể tác động đến các triệu chứng của bệnh lý viêm khớp, đau khớp, do cơ thể người bệnh nhạy cảm hơn về thể chất với sự thay đổi nhiệt độ, áp suất không khí và độ ẩm hơn những người khác. Vì vậy để đảm bảo sức khỏe xương khớp mùa lạnh, nên chú ý một số nguyên tắc áp dụng trong cuộc sống như sau:
- Giữ ấm cơ thể: Khi trời lạnh, các mạch máu dễ bị co lại khiến sự lưu thông tuần hoàn máu tới các khớp (nhất là các khớp ở xa) kém đi, làm cho các cơn đau nhức khớp vốn có tiến triển nặng hơn. Vì vậy cần giữ ấm cơ thể bằng cách mặc quần áo dài tay, đeo đệm gối, đi tất, sử dụng đệm sưởi, miếng dán giữ ấm… Tránh tiếp xúc với nước lạnh vào các khớp càng nhiều các tốt.
- Ăn uống hợp lý: Ăn nhiều đồ ấm, sử dụng các loại hạt, cà rốt và tránh ăn đồ sống, lạnh, uống nước đá hoặc đồ uống lạnh. Bữa ăn có thể thêm một số gia vị cay thích hợp như ớt, hạt tiêu… giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Ưu tiên các thực phẩm có tính “chống viêm tự nhiêm” như hạnh nhân, óc chó, dâu tây, cam, cà chua, dầu oliu, rau lá màu xanh đậm, cá thu, cá hồi… Không nên ăn uống quá đà, làm tăng trọng lượng sẽ gây thêm căng thẳng cho các khớp, làm tăng cơn đau.
- Tập thể dục thường xuyên: Ưu điểm của tập thể dục là cải thiện tuần hoàn máu và trao đổi chất, tăng cường bền bỉ, cải thiện và phục hồi chức năng vận động khớp, ngăn ngừa loãng xương và teo cơ, giảm cứng khớp, biến dạng khớp. Khi nhiệt độ ngoài trời quá thấp thì nên ưu tiên tập thể dục tại nhà. Nếu tham gia các hoạt động ngoài trời, khung thời gian tốt nhất là 9-11h và 15-17h. Khi tập luyện, cần khởi động kỹ để tránh chấn thương và bảo vệ xương khớp; tập từ từ, tránh các bài tập cường độ cao và không để các khớp bị tổn thương do chịu quá nhiều trọng lực khi vận động.
- Sắp xếp vật dụng trong nhà khoa học: Nên để vật dụng nhẹ nhàng, ít sử dụng ở nơi cao ráo; đồ thường dùng nên đặt vừa tầm với; những vật dụng cồng kềnh và ít dùng nên để dưới gầm tủ. Mục đích nhằm giảm các động tác gập người, leo trèo, ngồi xổm, chồm với… ảnh hưởng xương khớp.
- Tắm nắng: Khi thời tiết đẹp, bạn nên tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn để thúc đẩy sự hình thành vitamin D và tăng hấp thu, sử dụng canxi để duy trì chất lượng xương trong cơ thể.
- Chườm nóng: Hoạt động này có thể làm giãn mạch, cải thiện lưu thông máu cục bộ và thúc đẩy quá trình trao đổi chất tại chỗ. Chườm nóng cũng có thể làm giảm co thắt cơ, thư giãn dây thần kinh và cải thiện tính linh hoạt của gân. Sử dụng chườm nóng khô hoặc chườm nóng ẩm đều có thể tạo được hiệu quả.
- Ngâm tay, chân với nước nóng: có lợi cho việc phòng chống các bệnh về xương khớp. Vào mùa lạnh, tốt nhất nên ngâm chân nước nóng sau khi đi ra ngoài, không chỉ giúp nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể mà còn có thể ngăn ngừa các bệnh thấp khớp do môi trường ẩm ướt gây ra. Khi ngâm, nên ngâm ngập ngang mức cổ chân, khoảng 20 phút để thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu của chi dưới.
Ngoài ra, một trong những biện pháp chủ động giúp tăng cường sức khỏe xương khớp là sử dụng các thảo dược thiên nhiên như thiên niên kiện, cốt toái bổ, bạch chỉ. Sự kết hợp của 3 loại dược liệu này mang lại công dụng giúp mạnh gân xương, hỗ trợ trong các trường hợp phong thấp, đau nhức xương khớp, tê mỏi chân tay, giảm đau do viêm khớp…