Hàng năm, trên thế giới có hơn 15 triệu người bị đột quỵ. Gần 6 triệu người chết và 5 triệu người khác bị tàn tật vĩnh viễn. Theo WHO, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ hai và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật trên toàn thế giới. Chỉ riêng tại nước Úc, ước tính thiệt hại ngân sách gây ra bởi đột quỵ là 5 tỷ đô la mỗi năm.
Từ trước đến nay, người ta vẫn tin là các yếu tố nguy cơ truyền thống bao gồm tăng huyết áp, hút thuốc lá, béo phì, rối loạn lipid máu, thiếu máu cục bộ thoáng qua, tuổi cao, … gây ra nguy cơ cao bị đột quỵ. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các rối loạn giấc ngủ (mất ngủ) bao gồm cả về thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ, và các rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ đều có liên quan đến đột quỵ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ngủ không đủ có tác hại rất lớn. Thiếu ngủ làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Trong các nghiên cứu lâm sàng, giấc ngủ không đủ có liên quan đến việc gia tăng các biến cố tim mạch, trong đó có đột quỵ. Vì vậy cần có cái nhìn đúng đắn và sỡm áp dụng các phương pháp chữa bệnh mất ngủ để đề phòng đột quỵ.
Tại sao mất ngủ lại gây đột quỵ?
Theo các nghiên cứu, rối loạn giấc ngủ hay mất ngủ làm tăng nguy cơ đột quỵ do hai yếu tố: Một là gây stress oxy hóa và tổn thương đến các tế bào thần kinh; và thứ hai là thông qua việc làm tăng khả năng mắc yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ có liên quan đến giấc ngủ bao gồm: tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, rung nhĩ, rối loạn lipid máu,…Cụ thể:
Gây ra tình trạng tăng huyết áp
Tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ. Đột quỵ thường xảy ra nhất vào những giờ đầu tiên trong ngày. Điều này trùng với mô hình huyết áp giảm dần vào ban đêm, và tăng lại vào ban ngày. Sự tăng huyết áp vào buổi sáng có thể dẫn đến các biến cố tim mạch và mạch máu não trong buổi sáng bằng cách làm vỡ các mạch máu bị tổn thương hoặc tạo huyết khối.
Mối liên quan giữa thời gian ngủ và nguy cơ tăng huyết áp đã được báo cáo trong nhiều nghiên cứu. Theo đó, thời gian ngủ ít hơn 7 giờ có liên quan đến nguy cơ cao tăng huyết áp.
Tăng nguy cơ tiểu đường
Chất lượng và số lượng giấc ngủ kém có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Trong một nghiên cứu tổng hợp, các chuyên gia cho rằng thời gian ngủ ngắn hơn 6 giờ mỗi ngày có liên quan đến việc tăng 30% nguy cơ đái tháo đường (Mối liên quan giữa thời gian ngủ với các yếu tố nguy cơ của đột quỵ – PUBMED) hoặc gây ra trình trạng kém dung nạp glucose. Ở những bệnh nhân bị tiểu đường, mất ngủ gây ra tình trạng kiểm soát đường huyết của người bệnh ngày càng kém. Các nghiên cứu khác về giấc ngủ đã chứng minh thời gian ngủ nằm ngoài khoảng 6,5 – 7,4 giờ có liên quan với sự gia tăng nồng độ HbA1c ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Tăng nguy cơ béo phì
Mối liên hệ giữa thiếu ngủ và bệnh béo phì từ lâu đã được biết đến trong nghiên cứu sức khỏe vào năm 1986, trên gần 60.000 phụ nữ được theo dõi trong 16 năm. Mặc dù đã được điều chỉnh về hoạt động thể chất và ăn uống, nhưng những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có nguy cơ bị béo phì cao hơn 15% so với những phụ nữ ngủ 7 giờ mỗi đêm.
Gây ra rối loạn lipid máu
Thời gian ngủ liên quan đến tình trạng rối loạn lipid máu. Giấc ngủ ít hơn 5 tiếng vào buổi tối có liên quan đến việc giảm nồng độ HDL – cholesterol trong huyết tương. Trong một nghiên cứu khác, khi so sánh những người phụ nữ ngủ trong khoảng 6 – 7 tiếng, thì phụ nữ ngủ ít hơn 5 giờ vào ban đêm có nguy cơ cao bị giảm HDL – cholesterol và tăng triglyceride huyết tương.
Gây hiện tượng rung nhĩ
Rung nhĩ là một chứng loạn nhịp tim khi tâm nhĩ của tim đập thất thường. Rung nhĩ từ lâu đã được chứng minh là có liên quan chặt chẽ với đột quỵ. Nghiên cứu Framingham vào năm 1978 đã phát hiện ra rằng tình trạng rung nhĩ mãn tính ở những bệnh nhân không có bệnh tim làm tăng gấp năm lần tỉ lệ đột quỵ. Rung nhĩ làm máu bị ứ đọng trong tim hoặc thay đổi dòng chảy bình thường của máu khiến dễ hình thành cục máu đông trong tim. Khi cục máu đông thoát ra khỏi tim và đi lên não, nó có thể làm tắc nghẽn mạch máu não gây ra đột quỵ
Trong nghiên cứu về sức khỏe, thời gian ngủ hơn 8 giờ hoặc ít hơn 6 giờ hoặc có chứng ngưng thở khi ngủ đều tăng nguy cơ cao bị rung nhĩ. Các báo cáo cũng cho thấy thiếu ngủ cấp tính có liên quan đến nguy cơ cao sự trễ nhịp nhĩ (AEMD) ở những người trẻ khỏe mạnh.
Những lưu ý để có giấc ngủ ngon
- Xây dựng thói quen có lợi cho giấc ngủ: nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, hạn chế thức khuya.
- Không nên ngủ nhiều vào ban ngày và chỉ nên ngủ trưa từ 30 – 60 phút.
- Khi ngủ cần thư giãn và thả lỏng cơ thể, hạn chế suy nghĩ quá nhiều để có chất lượng giấc ngủ tốt nhất.
- Đảm bảo môi trường ngủ hạn chế tiếng ồn và ánh sáng, vệ sinh giường ngủ để có thể cảm thấy thoải mái nhất khi đi ngủ, giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn.
- Thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe, nhưng không vận động nhiều ngay trước khi ngủ.
- Ăn uống đủ chất, đủ bữa trong ngày, không bỏ bữa sáng.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích (trà, cà phê, thuốc lá, rượu,…) đặc biệt là vào thời điểm trước khi ngủ.
Nguồn: matngukeodai