Dấu hiệu cảnh báo suy giảm chức năng thận

Suy giảm chức năng thận hay còn gọi là suy thận ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của người bệnh, làm giảm tuổi thọ ở những bệnh nhân là người cao tuổi. Do đó, người bệnh cần được theo dõi và cảnh báo dấu hiệu suy giảm chức năng thận để có thể điều trị kịp thời, từ đó làm chậm sự phát triển của bệnh, kéo dài thời gian sống.

Chức năng quan trọng của thận đối với cơ thể

Trong cơ thể người, chức năng thận bao gồm:

  • Cân bằng dịch
  • Cân bằng khoáng chất, trong đó có kali nhằm kiểm soát sự hoạt động của các cơ và thần kinh
  • Đào thải các chất được chuyển hóa từ protein như ure, creatinin, …
  • Giải phóng các hormone cần thiết để điều hòa huyết áp (renin), tạo hồng cầu, chuyển hóa vitamin D hấp thụ canxi (erythropoietin)…

Dấu hiệu nhận biết suy giảm chức năng thận

Hầu hết bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận không phát hiện bệnh cho đến khi bệnh tiến triển giai đoạn nặng, do triệu chứng bệnh không rõ ràng và tương tự nhiều bệnh lý khác, trong đó có cả bệnh thận. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ cần lưu ý dấu hiệu cảnh báo, suy giảm chức năng thận xảy ra khi:

  • Hoạt động tiểu tiện thay đổi về tần suất, lượng nước tiểu, màu sắc, mùi của nước tiểu. Tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có màu hồng hoặc nâu đậm, có bọt được cho là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe thận đang gặp vấn đề.
  • Tăng huyết áp: Khi các mạch máu bị tổn thương, những đơn vị làm nhiệm vụ lọc chất thải từ máu của thận sẽ bị ảnh hưởng, gây suy thận.
  • Sưng phù ở mặt và chân: Chức năng thận bị suy giảm đồng nghĩa với việc thận không thể lọc và đào thải dịch và các chất độc dư thừa ra khỏi cơ thể, dẫn đến tích tụ dịch và gây sưng phù ở mặt và chân.
  • Đau lưng: Đau lưng, cụ thể là đau vùng háng chậu, hông và phía dưới xương sườn là dấu hiệu cảnh báo bị suy thận. Triệu chứng này thường đi kèm với sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiểu tiện nhiều, uống thuốc giảm đau không có tác dụng.
  • Khó thở: Ở bệnh nhân suy thận, triệu chứng khó thở xuất hiện ngay cả lúc bình thường hoặc sau khi gắng sức vận động là do tình trạng thiếu máu và thận không thể thực hiện chức năng lọc, gây ứ dịch trong cơ thể, đặc biệt là ở phế nang phổi.
  • Hơi thở có mùi kim loại: Thận hoạt động kém làm tích tụ nhiều chất độc trong máu, sẽ khiến mùi vị thức ăn trong miệng thay đổi, đặc biệt là mùi kim loại. Đi kèm với hôi miệng là triệu chứng ăn không ngon, người bệnh cảm thấy chán ăn, đặc biệt là không muốn ăn thịt, dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng.
  • Ngứa, khô da: Các độc tố trong cơ thể nếu không được lọc và đào thải bởi thận, do chức năng thận suy giảm, tích tụ trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến da, làm cho da khô và ngứa.
  • Mệt mỏi, đau đầu, cơ thể suy nhược: Suy giảm chức năng thận đồng nghĩa với việc tạo ra ít hormone để chuyển hóa vitamin D và sản xuất tế bào hồng cầu hơn, gây thiếu máu trong cơ thể, khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, tập trung kém (do thiếu máu lên não), suy nhược, …
  • Khó ngủ: Thận hoạt động kém khiến một lượng lớn các chất độc và dịch dư thừa tích tụ trong máu, gây ra chứng khó ngủ ở những bệnh nhân suy thận. Ngủ ít do khó ngủ tiếp tục ảnh hưởng đến chức năng thận và tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Khi nhận thấy có những dấu hiệu suy giảm chức năng thận được cảnh báo nêu trên, người bệnh cần ngay lập tức đến bệnh viện để được khám và kiểm tra sức khỏe, từ đó chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận