Sữa mẹ đặc hay loãng không phải là dấu hiệu cho thấy đủ hay thiếu dưỡng chất như nhiều người lầm tưởng.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Trong ít nhất 6 tháng đầu đời, sữa mẹ gần như là nguồn duy nhất cho trẻ duy trì hoạt động, tăng trưởng, cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch… Hàng ngày có rất nhiều bà mẹ đến khám dinh dưỡng thắc mắc về vấn đề sữa loãng hay đặc thì đủ chất, tốt cho con hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, sữa mẹ đặc hay loãng về cơ bản đều có hàm lượng dinh dưỡng như nhau, không phải là dấu hiệu cho thấy sữa mẹ thiếu hay đủ chất. Nhiều mẹ hiểu lầm sữa loãng thì con bú sẽ tăng cân chậm hoặc con sẽ nhanh đói. Việc trẻ tăng cân nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ hoặc tình trạng sức khỏe cá biệt của mỗi bé.
Về cảm quan, sữa mẹ loãng là sữa có màu trắng trong, trắng đục, màu như nước vo gạo. Thông thường, đây là dấu hiệu nhận biết mẹ đã ngừng tiết ra sữa non (thường trong 3-4 ngày đầu sau sinh), chuyển sang tiết sữa chuyển tiếp hoặc sữa trưởng thành. Thành phần trong sữa non có chứa nhiều beta-carotene nên thường có màu vàng, cam.
Sữa trưởng thành bao gồm 2 loại: sữa đầu, sữa cuối. Sữa đầu là lượng tiết ra trong vòng 10 phút đầu tiên khi mẹ cho bé bú. Sữa có đặc điểm loãng, trong như nước vo gạo do chứa nhiều nước nhưng vẫn đảm bảo chứa nhiều dinh dưỡng như đạm, lactose, vitamin, khoáng chất… Sữa cuối là lượng sữa tiết ra vào cuối cữ bú của bé. Hàm lượng dinh dưỡng trong sữa lúc này vẫn đảm bảo như sữa đầu, tuy nhiên có thêm nhiều chất béo, chất đạm khiến sữa trở nên đặc hơn. Mẹ nên cho bé bú từ 15-20 phút để trẻ có thể bú được tới phần sữa cuối.
Ngoài ra, sữa mẹ loãng có thể còn do mẹ cho bé bú không đúng cách. Nếu mẹ cho bú không thường xuyên sẽ khiến chất lượng sữa giảm, ít dần đi. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, mẹ hay căng thẳng, mệt mỏi, sức khỏe kém, sử dụng chất kích thích (caffein, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia,…) cũng là nguyên nhân.
Mỗi bé sẽ có khả năng hấp thụ, môi trường sống khác nhau nên việc tăng cân của trẻ không phụ thuộc hoàn toàn vào sữa mẹ. Tuy vậy, sữa có thể chưa đạt hàm lượng dưỡng chất theo chuẩn do chế độ ăn uống của mẹ chưa phù hợp, bất kể sữa mẹ đặc hay loãng theo cảm quan thông thường. Mẹ có thể thực hiện xét nghiệm thành phần dinh dưỡng trong sữa để định lượng dưỡng chất, nếu còn lo lắng về chất lượng sữa của mình. Máy xét nghiệm sữa mẹ có thể giúp kiểm tra, đánh giá năng lượng, thành phần cơ bản trong sữa mẹ như chất béo, chất đạm, đường lactose, độ đặc, chất khoáng, nước, kẽm, sắt và canxi.
Để tăng cường thêm chất lượng sữa, bà mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt hàng ngày khoa học. Chị em nên bổ sung rau xanh, trái cây, tăng hấp thu vitamin, khoáng vi lượng và chất xơ. Bạn nên ăn thêm 1-2 bữa cá trong tuần, tăng cường thịt để đủ dinh dưỡng chất đạm cho cả mẹ, bé. Phụ nữ bổ sung canxi, vitamin D, sắt, kẽm… từ sữa, hải sản, nho, ánh nắng mặt trời… để giúp hệ xương của trẻ phát triển, tránh tình trạng loãng xương sau này.
Uống đủ nước cũng là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống khoa học của mẹ. Nước giúp cơ thể đảm bảo lượng sữa mẹ dồi dào. Mẹ nên duy trì 2 lít nước mỗi ngày, tương đương với 8-10 cốc nước.
Cơ thể mẹ sau khi sinh thường mệt mỏi, thể trạng kém có thể ảnh hưởng đến lượng sữa tiết ra. Vì vậy, sau khi sinh mẹ cần nghỉ ngơi, thư giãn phù hợp. Mẹ cho con bú thường xuyên, đúng cữ, đúng cách để tránh mất sữa, tắc tia sữa. Chị em giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh vận động mạnh, nói không với chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, massage bầu vú… sẽ góp phần tăng chất lượng sữa mẹ được tiết ra.