Ăn bắp (ngô) có giúp cải thiện chức năng não?

Câu hỏi:

Gần đây, tôi thường xuyên thiếu tập trung và suy giảm trí nhớ, hay quên, đi khám phát hiện do thiếu hụt vitamin B1. Có người khuyên ăn nhiều bắp (ngô) để cải thiện trí nhớ vì bắp chứa nhiều vitamin B thì có đúng không? Xin tư vấn giúp tôi!

Trả lời:

Chào bạn,

Việc thiếu hụt vitamin B1 có thể khiến đầu óc mệt mỏi, thiếu tập trung và giảm trí nhớ. Một trong những cách để cải thiện các tình trạng này là bổ sung B1 từ thực phẩm, trong đó có thể kể đến trái bắp.

Bắp chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe tim mạch, thị lực, da, tiêu hóa, nhất là não… Bắp có lượng folate (vitamin B9) và thiamin (vitamin B1) cao. Một chén hạt trung bình chứa 19% folate và 24% vitamin B1. Vitamin B1 trong bắp cung cấp acetylcholine, một chất truyền tín hiệu trong thần kinh, giúp cải thiện chức năng não bộ và cải thiện trí nhớ.

Chứng viêm tế bào góp phần gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh, làm não nhanh lão hóa, ảnh hưởng đến chức năng ghi nhớ và sự tập trung. Chất oxy hóa có thể chống lại tình trạng viêm này để bảo vệ cơ thể. Bắp có chứa nhiều chất chống oxy hóa hỗ trợ chống lại tác động của viêm nhiễm. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, vitamin E trong bắp hoạt động như chất chống oxy hóa, có thể bảo vệ não trước tác động của lão hóa và bệnh Alzheimer.

Tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt như bắp được chứng minh giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Ví dụ, theo nghiên cứu của Đại học Tufts (Mỹ) công bố năm 2021, người ăn ít nhất ba khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt gồm bắp mỗi ngày ít tăng huyết áp hơn. Chất béo trung tính trong máu của nhóm cũng giảm nhiều hơn so với người chỉ ăn tối đa một nửa khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày. Điều này cho thấy thường xuyên ăn bắp và ngũ cốc nguyên hạt khác làm giảm khả năng mắc bệnh tim.

Bắp chứa nhiều vitamin B1 tốt cho chức năng não

Ngoài ra, bắp có chứa nhiều kali có thể góp phần ngăn ngừa đột quỵ. Bởi mức độ thấp của chất dinh dưỡng này có liên quan đến huyết áp cao – yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch vành và đột quỵ não.

Bắp không chứa chất gluten nên người không dung nạp gluten (dị ứng gluten) có thể lựa chọn thực phẩm này thay thế cho bánh mì. Ngoài hàm lượng vitamin B1 và E cao, bắp cũng chứa các loại chất như vitamin A, canxi, glutathione, magiê, selen, các axit béo góp phần chống lão hóa và bảo vệ cơ thể chống lại nhiều loại bệnh tật. Trong tất cả các loại lương thực, giá trị dinh dưỡng và tác động đến sức khỏe của bắp là cao nhất, hàm lượng vitamin của nó gấp 5-10 lần gạo, lúa mì.

Với những lợi ích này, bạn có thể bổ sung bắp vào chế độ ăn uống để tốt cho não, cải thiện trí nhớ, sự thiếu hụt vitamin B1. Mặc dù các món như bắp luộc, bắp xào, bắp nướng… ngon, giúp no lâu, hỗ trợ giảm cân, cải thiện trí não nhưng ăn quá nhiều không tốt cho sức khỏe. Lượng lớn tinh bột có trong bắp khi di chuyển qua ruột sẽ sản sinh ra nhiều khí, gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu.

Người bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn bắp vì tiêu thụ lượng lớn carbohydrate (tinh bột) trong thực phẩm này làm đường trong máu tăng nhanh. Nếu người bệnh viêm loét dạ dày, xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản ăn bắp thì dạ dày rất dễ bị chảy máu, giãn, đứt tĩnh mạch.

Mỗi loại thực phẩm đều có giá trị dinh dưỡng nhất định đối với cơ thể. Do đó, bạn cần có chế độ dinh dưỡng đa dạng. Tiêu thụ quá mức một loại nào đó, chẳng hạn như bắp, có nguy cơ tác động xấu đến cơ thể.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận