Bắt bệnh xương khớp qua dáng đi

Các chuyên gia, bác sĩ cơ xương khớp cho biết, thông qua dáng đi, bác sĩ có thể bước đầu chẩn đoán tình trạng sức khỏe người bệnh. Mỗi dáng đi bất thường có thể cảnh báo những bệnh lý khác nhau, từ khác thường ở thần kinh cho đến hệ cơ xương khớp.

Những dáng đi có thể cảnh báo bệnh bao gồm:

+ Dáng đi thất điều là tình trạng bước đi lảo đảo như người say rượu. Do tư thế cơ thể không cân bằng nên người bệnh thường có xu hướng đứng rộng chân để điều chỉnh. Bất thường trong dáng đi càng trở nên rõ rệt khi người bệnh di chuyển trong phạm vi hẹp, trong lúc đi nối gót (gót chân trước chạm mũi chân sau) và trong lúc điều chỉnh tư thế nhanh.

Đây là dấu hiệu điển hình của bất thường ở tiểu não giữa, tổn thương bán cầu tiểu não, loạn chức năng cấu trúc tiểu não giữa làm suy yếu khả năng điều phối thân người, mất thăng bằng và tăng sự lắc lư, đặc biệt là khi di chuyển. Những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng này bao gồm lạm dụng rượu, nhồi máu tiểu não, xuất huyết tiểu não, thoái hóa não di truyền, xơ cứng lan tỏa, tác dụng phụ của thuốc… Ngoài ra, dù ít gặp hơn nhưng bóc tách động mạch đốt sống, khối tổn thương, viêm não do HSV, thoái hóa não cận ung thư cũng có thể gây ra tình trạng này.

Dáng đi tiết lộ tình trạng bệnh lý xương khớp

+ Dáng đi chân gà (dáng đi bước cao) đặc trưng bởi sự nhấc cao hông và đầu gối một cách rõ rệt để đưa chi dưới ra khi bước đi, hoặc bàn chân rủ khi lắc cẳng chân. Dáng đi chân gà thường là do yếu nhóm cơ khoang trước cẳng chân, gây ra bởi các bệnh lý thần kinh, chèn ép thần kinh mác chung, bệnh rễ L5, bệnh thần kinh ngoại biên phụ thuộc chiều dài, liệt thần kinh tọa, bệnh thần kinh ngoại biên di truyền, các bệnh ở cơ như teo cơ vai – mác…

+ Co cứng dáng đi xảy ra do sự rối loạn các neuron vận động trên hoặc nhiễm trùng và nhiễm độc. Những vấn đề sức khỏe thường gặp có thể gây ra tình trạng này bao gồm nhồi máu não, xuất huyết não, nhồi máu lỗ khuyết – nhánh sau của bao trong, bệnh đa xơ cứng… Bên cạnh đó, dù ít gặp hơn nhưng co cứng có thể là triệu chứng của tổn thương tủy sống, liệt cứng tiến triển, clostridium tetani, strychnine…

+ Dáng đi parkinson là tình trạng ít vung vẩy cánh tay nhưng tăng run ở chi trên khi đi lại, xoay chậm cả người, kéo lê chân. Ngoài ra, sự thay đổi tư thế trong hội chứng parkinson như cong người, vai gập… làm cho trọng tâm của người bệnh nghiêng về phía trước, dẫn đến cân bằng kém trong quá trình vận động. Do đó, người bệnh có xu hướng đi bước nhỏ và nhanh để điều chỉnh lại sự thăng bằng.

Các bệnh lý có thể gây ra tình trạng này bao gồm bệnh parkinson, thuốc chặn dopamine… Hoặc ít gặp hơn như đột quỵ lỗ khuyết – hạch nền, xuất huyết hạch nền, bệnh teo đa hệ thống, liệt trên nhân tiến triển, thoái hóa vỏ não và hạch nền…

+ Dáng đi núng nính là tình trạng xảy ra do xoay khung chậu quá mức và đung đưa phần thấp của chi để bù đắp cho sự yếu ở gốc chi và mất vững đai chậu hai bên. Đặc trưng của dáng đi núng nính là hiện tượng ưỡn thắt lưng quá mức để duy trì thăng bằng; sự mở rộng đai chậu cũng tác động đến khả năng ngồi xổm của người bệnh. Lúc này, người bệnh phải dùng tay đẩy thân mình đứng dậy từ tư thế ngồi xổm.

Dáng đi núng nính cũng có thể bắt nguồn từ các bệnh về cơ nguyên phát như loạn dưỡng cơ, bệnh chuyển hóa cơ như bệnh cơ do tuyến giáp… Những nguyên nhân ít gặp hơn có thể kể đến viêm đa cơ, viêm da cơ, bệnh cơ ty lạp thể, bệnh cơ do glucocorticoid.

Các chuyên gia lưu ý ngay khi phát hiện bất thường trong dáng đi, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám. Tại đây, các thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như chụp X-Quang, cộng hưởng từ MRI, cắt lớp vi tính… sẽ ghi lại chính xác những bất thường của hệ cơ xương khớp, thần kinh… để bác sĩ kết luận tình trạng bệnh lý và đưa ra những phác đồ điều trị tích cực phù hợp với từng người bệnh.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận