Có hơn 100 loại viêm khớp, trong đó một số bệnh có thể tiến triển và gây rút ngắn tuổi thọ, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp (RA) và gout.
Bản thân bệnh viêm khớp không gây tử vong, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng các biến chứng phát sinh trong những trường hợp viêm khớp nghiêm trọng có thể rút ngắn 6-7 năm tuổi thọ.
Các loại viêm khớp có thể làm giảm tuổi thọ
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một bệnh viêm và tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch không hoạt động bình thường và tấn công lớp niêm mạc của khớp (được gọi là bao hoạt dịch). Bao hoạt dịch bị viêm trở nên dày hơn và làm cho vùng khớp cảm thấy đau và mềm, trở nên đỏ và sưng, khiến cử động khớp khó khăn. RA thường ảnh hưởng đến bàn tay, đầu gối hoặc mắt cá chân và thường là cùng một khớp ở cả hai bên của cơ thể.
Tuy nhiên, RA cũng có thể gây ra các biến chứng ở những bộ phận khác của cơ thể, bao gồm mắt, tim và hệ tuần hoàn, phổi. Do đó, những người bị RA dễ mắc các bệnh đi kèm hơn, làm tăng tỷ lệ tử vong ngay cả khi bệnh thuyên giảm.
- Bệnh gout: Gout là kết quả của lượng axit uric quá cao trong cơ thể (tăng axit uric máu), hình thành nên các tinh thể xung quanh khớp, dẫn đến đau và sưng dữ dội. Cơ thể tạo ra axit uric khi phân hủy purin, chất được tìm thấy trong cơ thể và một số loại thực phẩm, chẳng hạn như thịt đỏ và một số loại hải sản.
Gout liên quan đến một số bệnh đi kèm, bao gồm hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch và bệnh thận mạn tính, góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong ở những người bị bệnh gút. Viêm khớp dạng thấp và bệnh gout đều có liên quan đến việc làm tăng khoảng 50-70% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Quá trình viêm mạn tính ở bệnh RA và việc tích tụ các tinh thể axit uric trong tim ở người bệnh gout được cho là nguyên nhân làm tăng nguy cơ này.
- Xơ cứng bì lan tỏa: Đây là bệnh tự miễn mạn tính, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô, dẫn tới việc sản xuất quá nhiều protein collagen trên các mô liên kết. Tình trạng này khiến da dày lên, xơ hóa, tích tụ mô sẹo. Tổn thương mô có khả năng tác động sâu vào những cấu trúc bên dưới da gồm mô dưới da, mô liên kết, cơ hay xương.
Xơ cứng bì lan tỏa là một dạng phụ của bệnh xơ cứng bì, khiến các vùng da trên cơ thể dày lên, thường là ở ngón tay, bàn tay, cánh tay, thân trước, chân và mặt.
Trong một số trường hợp, người bệnh xơ cứng bì thường có các tổn thương kèm theo ở các cơ quan nội tạng như tim, mạch máu, phổi, thận và dạ dày. Ảnh hưởng của bệnh rất khác nhau, từ mức độ nhẹ cho tới đe dọa tính mạng. Suy nội tạng là nguyên nhân chính gây tử vong ở những người mắc bệnh xơ cứng bì lan tỏa. Bệnh đe dọa tính mạng xảy ra khi phổi hoặc tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng và huyết áp cao toàn thân gây tổn thương thận.
- Viêm khớp vảy nến (PsA): Đây là một dạng viêm khớp ảnh hưởng đến khoảng 30% những người mắc bệnh vẩy nến. Giống như bệnh vẩy nến, PsA là một bệnh tự miễn, gây ra các mảng da đỏ, kích ứng thường được bao phủ bởi các vảy trắng bong tróc. Ở 85% những người bị viêm khớp vẩy nến, bệnh vẩy nến xuất hiện trước khi các vấn đề về khớp phát triển.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người mắc PsA có tỷ lệ tử vong cao hơn do có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn, chủ yếu là do quá trình xơ vữa động mạch nhanh hơn, gây tích tụ các mảng trong thành động mạch.
Các biện pháp giúp giảm biến chứng viêm khớp
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể dẫn đến những đợt bùng phát trong bệnh viêm khớp. Giảm căng thẳng cũng có thể giúp giảm thiểu cảm giác thèm ăn đồ ăn có đường. Đường là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh goutvà các cơn đau gout.
- Giảm cân: Béo phì có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng RA và bệnh gout. Do đó, giảm cân có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp.
- Bỏ hút thuốc: Hút thuốc có liên quan đến cả sự phát triển của RA và làm gia tăng các triệu chứng nghiêm trọng hơn khi mắc bệnh. Việc ngừng hút thuốc không chỉ trì hoãn mà còn ngăn ngừa viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính, một dạng đặc biệt của viêm khớp dạng thấp.
- Tiêm phòng: Bệnh nhân RA thường được điều trị bằng thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh (DMARD), có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và nhiễm trùng nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong khi mắc bệnh. Đường hô hấp dưới, bao gồm phổi, là cơ quan dễ bị nhiễm trùng nhất. Do đó, những người sống chung với bệnh tự miễn và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch cần phải thực hiện các bước để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm trùng, bao gồm tiêm phòng cúm hoặc viêm phổi.