Bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể dẫn tới biến chứng nặng, khi máu ứ trong lòng tĩnh mạch hình thành các cục máu đông và trôi về tim, gây thuyên tắc động mạch phổi, có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, chúng ta cần nắm được thông tin về các cấp độ suy giãn tĩnh mạch để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Các cấp độ suy giãn tĩnh mạch và biểu hiện
- Cấp độ 0: Là suy giãn tĩnh mạch cấp độ nhẹ. Ở giai đoạn này, các tĩnh mạch đã bắt đầu suy yếu nhưng không có biểu hiện rõ ràng trên lâm sàng. Người bệnh chỉ có thể phát hiện ra mắc suy giãn tĩnh mạch nếu dùng các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng hoặc kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
- Cấp độ 1: Các tĩnh mạch bắt đầu giãn ra (kích thước nhỏ khoảng 1mm), có thể xuất hiện ở các vùng dưới mắt cá trong, vùng đùi, bắp chân,… Ở cấp độ này, suy giãn tĩnh mạch chân biểu hiện là ngứa chân, mỏi chân, đau chân (tình trạng này nặng hơn khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều) nhưng dấu hiệu vẫn còn khá mờ nhạt, lúc có lúc không nên bệnh nhân thường không chú ý.
- Cấp độ 2: Các tĩnh mạch đã giãn trên 3mm. Từ giai đoạn này trở đi, các dấu hiệu của bệnh sẽ rõ ràng hơn. Những triệu chứng cụ thể gồm: Đau nhức, tê bì chân, nặng chân và tĩnh mạch xanh tím bị nổi rõ trên da.
- Cấp độ 3: Xuất hiện tình trạng bàn chân hoặc bắp chân bị sưng to, phù chân vào buổi chiều tối hoặc khi đứng nhiều.
- Cấp độ 4: Do nguyên nhân ứ đọng máu nhiều ở ngoại vi nên da chân của bệnh nhân sẽ sậm màu hơn, đi kèm triệu chứng phù chân, xơ bì và sừng hóa. Khi ấn ngón tay vào vùng suy giãn tĩnh mạch thì sẽ tạo ra vết lõm.
- Cấp độ 5: Suy giãn tĩnh mạch chân biểu hiện là các tĩnh mạch nổi chằng chịt trên da, bắt đầu có vết loét ở chân.
- Cấp độ 6: Xuất hiện nhiều vết loét ở chân, các vết loét to – nhỏ xen kẽ lẫn nhau, vết loét khá sâu và khó lành hơn.
Phương pháp điều trị
Từ cấp độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch phù hợp cho từng bệnh nhân:
Điều trị suy giãn tĩnh mạch cấp độ nhẹ (0 – 1)
Nếu bệnh lý này được phát hiện ở các cấp độ 0 hoặc 1 thì việc điều trị sẽ rất đơn giản bởi tĩnh mạch chỉ mới bị suy giãn nhẹ. Việc điều trị sớm từ giai đoạn đầu giúp ngăn chặn bệnh suy giãn tĩnh mạch tiến triển tới các giai đoạn nặng, đồng thời phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm sau này.
Trong giai đoạn đầu, nếu suy giãn tĩnh mạch biểu hiện không quá nghiêm trọng, không gây khó chịu thì bệnh nhân không cần phải sử dụng thuốc mà chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện và sinh hoạt là được. Cụ thể:
– Chế độ ăn uống: Sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin C và E, uống nhiều nước, hạn chế đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ và bia, rượu,…
– Chế độ sinh hoạt: Không ngồi hoặc đứng quá lâu, nên thay đổi tư thế liên tục, đi lại nhiều hơn.
– Chế độ tập luyện: Bệnh nhân có thể lựa chọn các môn thể dục thể thao phù hợp như yoga, bơi lội, đi bộ, đạp xe,… Đồng thời, người bệnh nên đi tất y khoa trong quá trình luyện tập.
Điều trị suy giãn tĩnh mạch cấp độ tiến triển (2 – 3 – 4)
Ở giai đoạn này, suy giãn tĩnh mạch biểu hiện rõ ràng nên người bệnh có thể dễ dàng nhận biết được. Do các triệu chứng ảnh hưởng khá nhiều tới sinh hoạt hằng ngày nên người bệnh cần sử dụng các thuốc điều trị để giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bệnh nhân chú ý sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng hoặc lạm dụng thuốc vì có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Đồng thời, bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch giai đoạn tiến triển cũng cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học và lành mạnh hơn để hỗ trợ điều trị bệnh, cải thiện khả năng hồi phục.
Điều trị suy giãn tĩnh mạch cấp độ cuối (5 – 6)
Nếu bệnh suy giãn tĩnh mạch tiến triển tới cấp độ cuối thì bệnh nhân cần phải cẩn thận trước những biến chứng nguy hiểm như huyết khối tĩnh mạch, vỡ tĩnh mạch, lở loét hoại tử da,… Trong giai đoạn này, nếu các phương pháp điều trị thông thường không mang lại hiệu quả thì người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện phương pháp phẫu thuật. Bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ các tĩnh mạch bị suy giãn và người bệnh sẽ không còn bị “tra tấn” bởi những triệu chứng khó chịu nữa.
Tuy nhiên, nếu không giải quyết được tận gốc nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch thì sau đó người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát ở các vùng tĩnh mạch khác. Do đó, bệnh nhân vẫn cần có những biện pháp phòng bệnh phù hợp cả trong đời sống sinh hoạt và chế độ ăn uống hằng ngày. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ đúng mọi chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.