Tuy nhiên, do tính chất mạn tính của bệnh, tình trạng suy nhược cơ thể, tình trạng biến chứng, kế hoạch đối phó với bệnh phức tạp nên nhiều bệnh nhân chuyển sang tìm các liệu pháp bổ sung để kiểm soát bệnh. Ước tính ở Mỹ có khoảng 34% người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sử dụng liệu pháp y học bổ sung.
Một số phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường bổ sung không dùng thuốc sau đã được đánh giá qua các nghiên cứu lâm sàng.
Các liệu pháp thực hành y học tâm cơ thể cho người bệnh tiểu đường (Yoga, thiền, thái cực quyền…)
Stress ô xy hóa là nguyên nhân gây ra đề kháng in-sulin, rối loạn chức năng tế bào β, dẫn đến đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng khác như xơ vữa động mạch, biến chứng vi mạch và thần kinh. Các liệu pháp thực hành y học tâm cơ thể đã được chứng minh là có lợi trong việc giảm stress ô-xy hóa trong bệnh đái tháo đường tuýp 2. Các kết quả nghiên cứu cho thấy sau 6 tháng tập yoga, thiền, thái cực quyền giúp giảm gần 20% mức stress ô-xy hóa cũng như cải thiện các thông số đường huyết, HbA1c và chỉ số BMI.
Châm cứu (Thể châm, nhĩ châm, day ấn huyệt…)
Khi kích thích một số huyệt vị với kỹ thuật thích hợp giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Như một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên so sánh tác dụng của Metformin kết hợp điện châm và Metformin đơn trị liệu cho thấy có cải thiện rõ rệt tình trạng đề kháng in-sulin cũng như tác dụng giảm cân của nhóm can thiệp điện châm kết hợp Metformin so với nhóm dùng Metformin đơn thuần. Sử dụng các huyệt vị trên loa tai (nhĩ châm) cũng cho thấy giúp giảm nồng độ in-sulin, giảm đề kháng in-sulin ở ngoại biên.
Trong thực tế, sử dụng châm cứu cần có sự đánh giá của nhân viên y tế về mức đường huyết đói, HbA1c, các biến chứng hiện có trên bệnh nhân cũng như phải đảm bảo thủ thuật thực hiện trong điều kiện vô trùng thật tốt để tránh gây nhiễm trùng thứ phát.
Th.S- BS Nguyễn Văn Đàn
Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM
Theo báo Thanh Niên (số 259 ra Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2016)
Source: clbtieuduong.com