Với tâm lý chủ quan, nhiều người cho rằng đau dạ dày chỉ xảy ra ở người lớn mà ít ai để ý rằng với nhịp sống hiện đại hiện nay, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh đau dạ dày tăng dần. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến những triệu chứng của trẻ và trang bị cho mình kiến thức cần thiết để phòng ngừa bệnh đau dạ dày cho trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau dạ dày ở trẻ em. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp:
- Áp lực trong học hành, thi cử. Trẻ phải đáp ứng sự kỳ vọng của cha mẹ nên thường phải học ở trường, học ở lớp học thêm và học ở nhà, chiếm mất thời gian vui chơi, giải trí… Sự quá tải trong việc học sẽ dẫn đến mệt mỏi, stress, làm giảm yếu tố bảo vệ dạ dày, là một nguyên nhân gây viêm đau dạ dày.
- Do nhiễm vi khuẩn HP: Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori, H.pylori) là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh đau dạ dày không chỉ ở trẻ em mà ở cả người lớn. Vi khuẩn HP có thể lây từ người này sang người khác thông qua nước bọt từ đồ dùng vệ sinh cá nhân, dùng chung chén bát đũa muỗng, hôn trực tiếp, mẹ nhai bón cho con… và đường phân miệng do vi trùng theo phân lây sang người khác qua trung gian côn trùng như ruồi, gián…
- Việc ép ăn khi các bé biếng ăn khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa. Hơn nữa việc ép ăn hoặc nhồi nhét cho bé 1 lượng thức ăn quá mức sẽ làm dạ dày hoạt động quá mức, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của bé.
- Ngoài ra, để dỗ bé ăn nhiều cha mẹ cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, xem điện thoại và các thiết bị điện tử khiến bé không tập trung ăn uống, nhai nuốt vội vàng cũng là một nguyên nhân gây viêm đau dạ dày.
Đối với nếp sống ở nhiều gia đình thì việc ăn uống như trên là bình thường, tuy nhiên, ở trẻ em các cơ quan còn đang trong giai đoạn phát triển, nên dễ bị tổn thương, viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa làm ảnh hưởng đến sự phát triển.
Phòng ngừa bệnh dạ dày cho bé như thế nào
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đừng để trẻ phải chịu những tổn thương rồi mới chữa trị, đôi khi sự chủ quan của người lớn làm cho tình trạng bệnh của trẻ trở nên trầm trọng mới được điều trị đúng cách. Hãy chủ động phòng bệnh cho bé bằng những cách sau:
- Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, đưa ra chế độ ăn phong phú và đổi món thường xuyên nhằm cân bằng các chất và giúp bé không bị ngán, chán ăn.
- Trang trí bữa ăn của bé theo cách sáng tạo và ngộ nghĩnh để việc ăn uống của bé sẽ đầy sự mới lạ chứ không phải cực hình như trước.
- Không nên ép bé ăn nhiều một lúc, đối với những bé ăn ít, mau no thì nên chia làm nhiều bữa ăn trong ngày. Như vậy làm giảm áp lực cho dạ dày. Không cho bé sử dụng các thiết bị điện tử để kích thích việc ăn.
- Hướng dẫn bé cách vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh nhằm đảm bảo tay luôn được sạch sẽ.
- Chọn nguồn thức ăn có nguồn gốc an toàn. Vệ sinh dụng cụ chén bát sạch sẽ để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn vào đường ăn uống.
- Không hôn trực tiếp lên miệng bé. Khi ăn cùng, không cho bé dùng chung muỗng đũa. Không nhai rồi bón cho bé
- Không tạo áp lực trong việc học tập hoặc chuyện gia đình cho trẻ, cân bằng việc học và giải trí, chịu lắng nghe trẻ
Điều quan trọng nữa là đừng chủ quan, ngay khi bé có 1 biểu hiện bất thường, khó chịu nên lắng nghe cảm giác của bé và đưa trẻ đi bác sĩ để điều trị ngay từ những biểu hiện đầu tiên.
Source: daday24h.com