Đau vai cảnh báo bệnh gì?

Tình trạng đau vai rất phổ biến, gần như mọi người đều mắc ít nhất một lần trong đời. Đau vai ở người trẻ thường do tai nạn hoặc chấn thương. Càng lớn tuổi, hao mòn tự nhiên xảy ra ở khớp vai và gân cổ tay quay làm cho cơn đau dai dẳng. Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe có thể dẫn đến đau vai.

  • Chấn thương vùng vai: Tình trạng này thường xảy ra khi chơi thể thao, nhất là ở những bộ môn đòi hỏi các động tác tay lặp đi lặp lại như bóng chuyền, cầu lông, bơi lội và cử tạ. Chấn thương vai còn có thể xảy ra khi làm các việc như phơi đồ, giặt quần áo, với tay quá cao.
  • Thoái hóa khớp vai: Khớp vai là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất. Đây là hậu quả của sụn khớp bị bào mòn, hư tổn ở phần xương dưới sụn, làm các đầu xương bả vai cọ xát vào nhau. Quá trình này kéo dài làm xơ hóa xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn gây sưng đau, cứng khớp.
  • Viêm khớp quanh vai: Người bị viêm nhẹ có thể cảm thấy đau vài lần, sau đó tự khỏi. Nếu nặng hơn, cơn đau lan xuống bả vai, cánh tay, mu bàn tay. Viêm quanh khớp vai không điều trị dứt điểm có thể dẫn đến đau kéo dài, làm yếu khớp vai và teo cơ khiến người bệnh mất dần khả năng vận động cánh tay.
  • Rách cơ chóp xoay vai: Bệnh phổ biến ở khớp vai, xảy ra khi các gân cơ chóp xoay hoạt động quá mức, bị mài mòn, dẫn đến rách một phần hoặc rách hoàn toàn.
  • Trật khớp vai: Là chấn thương thường gặp gây đau vai. Người bệnh cảm thấy đau dữ dội; biên độ vận động khớp vai giảm hoặc mất hoàn toàn, không thể cử động. Cánh tay biến dạng, xoay ra ngoài khoảng 30-40 độ; xuất hiện các vết bầm và có cảm giác vai bị tê, yếu.
  • Đông cứng khớp: Khớp ngày càng khó vận động, thường gặp ở người trên 40 tuổi, nhất là người bệnh đái tháo đường. Đông cứng khớp vai có thể xuất hiện sau phẫu thuật, chấn thương hoặc sau tổn thương khác do cánh tay bị bất động trong thời gian dài.
  • Cột sống cổ và ngực trên: Các bệnh liên quan đến dây thần kinh ở cổ và ngực trên cũng có thể là nguồn gốc của đau vai. Cơn đau thường xuất phát từ cổ, kéo dài đến lưng trên và lan xuống phía sau khớp vai hoặc ra phía trên ngoài cánh tay.
Chườm lạnh giúp kiểm soát cơn đau vai

Người bệnh nhẹ có thể kiểm soát tốt tình trạng đau vai bằng cách chườm lạnh mỗi ngày 3-4 lần, mỗi lần 15 phút. Hạn chế vận động, để vai nghỉ ngơi trong vài ngày trước khi trở lại các hoạt động bình thường và tránh các cử động có thể gây đau. Với cơn đau nặng hơn, tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc, tập vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.

Việc sử dụng thuốc giảm đau chỉ là biện pháp tạm thời, không thể điều trị triệt để. Để chữa đau vai hiệu quả, bác sĩ cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, chọn giải pháp điều trị phù hợp. Người bệnh nên đi khám khi biện pháp chăm sóc tại nhà không hiệu quả.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận