Đi bộ nhanh mang lại những lợi ích cho xương khớp

Đi bộ nhanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là hệ xương khớp, đồng thời còn giúp chúng ta hòa mình vào lối sống năng động hơn. Không giống như các hình thức tập thể dục khác, đi bộ nhanh là một hoạt động tương đối an toàn và có nguy cơ chấn thương thấp hơn. Đây là lựa chọn phù hợp để tăng cường thể lực cho người ít vận động, nhất là người trung niên. Dưới đây là những lợi ích với sức khỏe khi thực hiện đi bộ nhanh hàng ngày.

  • Giảm nguy cơ tử vong

Một nghiên cứu thực hiện năm 2022 của Trường Đại học Nam Đan Mạch và Đại học Sydney, Australia, với hơn 78.000 người tham gia, cho thấy người đi bộ nhanh có nguy cơ tử vong thấp hơn 35%, rủi ro mắc bệnh tim hoặc ung thư giảm 25% và chứng mất trí nhớ thấp hơn 30% so với người có tốc độ đi bộ chậm hơn.

Các nhà nghiên cứu lý giải đi bộ nhanh giúp tăng khả năng hiếu khí giúp hạ huyết áp, điều hòa lượng đường trong máu và giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ.

  • Tốt cho người mắc bệnh viêm khớp

Nghiên cứu năm 2019 của Trường Đại học Northwestern và Đại học California, Mỹ, cho thấy đi bộ nhanh một giờ mỗi tuần có thể tạo ra tác động lớn trong việc duy trì sự độc lập và giảm chấn thương cho người bị đau khớp.

Đó cũng là lý do đi bộ nhanh được khuyến khích cho người bị viêm khớp, vì nó ít tác động, giúp khớp linh hoạt, hỗ trợ làm lỏng các khớp cứng và cải thiện phạm vi chuyển động bằng cách tăng lưu lượng máu đến những khu vực đó.

  • Giúp xương chắc khỏe
Đi bộ nhanh mang lại nhiều lợi ích cho xương khớp

Nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm Trường Xuân và Đại học Sơn Đông, Trung Quốc thực hiện năm 2022 trên 200 người tham gia và kéo dài trong hai năm, cho thấy phụ nữ tiền mãn kinh đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày có mật độ khoáng xương cao hơn nhóm không vận động.

Các nhà khoa học khuyến nghị nên đi bộ nhanh để cải thiện mật độ khoáng xương, từ đó, ngăn ngừa nguy cơ mất xương, loãng xương khi về già.

  • Giảm đau lưng

Khác với đi bộ bình thường, đi bộ nhanh giúp phân tán tải trọng khắp cơ thể, nhờ đó giải phóng các mô của cột sống, duy trì cân nặng hợp lý và giảm áp lực cho lưng.

Theo Viện Chất lượng và Hiệu quả trong Chăm sóc sức khỏe Đức (IQWiG), đi bộ hoặc đi bộ nhanh thường xuyên, với cường độ hai ngày một lần trong 30-60 phút, có tác dụng cải thiện triệu chứng đau lưng.

  • Săn chắc thân dưới

Đi bộ nhanh 30 phút giúp cơ thể đốt cháy 200 calo, làm săn chắc cơ chân và bụng. Theo thời gian, lượng calo đốt cháy nhiều tác động đến việc giảm cân. Các mô cơ ở chân và bụng có thể đốt cháy lượng calo nhiều gấp 4 lần so với chất béo. Duy trì cường độ đi bộ nhanh khoảng 60 phút mỗi ngày mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Khi bắt đầu bài tập, nên đi bộ chậm 5-10 phút để làm nóng cơ thể, giảm nguy cơ chấn thương, sau đó tăng dần tốc độ, giữ bước chân nhỏ, nhịp độ nhanh. Giữ tư thế đứng thẳng, không thả lỏng vai, không nghiêng người về phía trước hoặc lắc lư quá mức trong quá trình đi bộ nhanh. Cong khuỷu tay thành một góc vuông để cánh tay có thể vung nhanh hơn. Chọn quần áo nhẹ, thoải mái, có khả năng thấm hút mồ hôi, giày có đệm hỗ trợ và bảo vệ chân.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận