Theo nghiên cứu năm 2011 của Trường Đại học Miami, Mỹ, tổn thương tình cảm ảnh hưởng nhiều nhất đến vùng hải mã, hạch hạnh nhân và vỏ não trước trán. Lúc này, con người có thể gặp triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Posttraumatic stress disorder – PTSD), khó tập trung và trầm cảm.
Khi phát triển PTSD, các bản quét mô hình não cho thấy hoạt động gia tăng ở hạch hạnh nhân, phần não liên quan đến nỗi sợ hãi. Vùng hải mã giúp tăng cường trí nhớ co lại và rối loạn chức năng ở vỏ não trước trán – vùng não điều chỉnh cảm xúc.
Người mắc PTSD có thể bị giật mình, khó chịu, trải qua ký ức đau thương, suy giảm trí nhớ ngắn hạn, cáu kỉnh, trầm cảm cùng nhiều triệu chứng khác.
Theo các nhà nghiên cứu, khi có yếu tố kích hoạt, hạch hạnh nhân kích thích phản ứng sợ hãi. Sau đó, vùng hải mã tạo ra các vết đứt gãy trên hạch hạnh nhân và vỏ não trước trán. Đây là cơ chế phòng vệ do não bộ điều khiển để đối phó các mối đe dọa. Nếu cơ chế này rối loạn có thể gây ra tâm thần.
Vùng hải mã bị ảnh hưởng nặng nề nhất do căng thẳng và tổn thương tinh thần. Theo nghiên cứu năm 2010 của Trường Đại học Buffalo, Mỹ, tổn thương làm chậm quá trình tạo ra các tế bào mới ở vùng hải mã. Các sợi nhánh trong não cũng có thể co lại sau các sự kiện đau thương. Điều này giải thích rằng bị tổn thương có liên quan đến triệu chứng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn.
Tác động của căng thẳng và tổn thương tinh thần lên vùng hải mã (vùng liên quan đến trí nhớ và chức năng học tập) khiến ký ức về các sự kiện kém chính xác hơn. Người bị chấn thương tâm lý nặng thường khó ghi nhớ những chi tiết cụ thể.
Tác động thần kinh của tổn thương tình cảm tập trung chủ yếu ở vùng hải mã nhưng trí nhớ không phải là khía cạnh duy nhất bị ảnh hưởng. Người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương thường gặp các triệu chứng như khó tập trung, ngủ kém, ác mộng và hồi tưởng tái diễn liên quan đến sự cố đau thương.
Trong vài trường hợp, quá trình phục hồi sau đó gây ra nhiều thay đổi hơn trong não. Một số người khỏi tình trạng này có những thay đổi tích cực hơn ở các vùng khác trong não do não trở nên “kiên cường” hơn.
Phản ứng sau tổn thương tình cảm ở mỗi người khác nhau. Cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng tuần hoàn não giúp não bộ luôn khỏe mạnh. Khi có biến cố, hãy kiểm soát căng thẳng và điều trị các bất ổn tinh thần càng sớm càng tốt.