Gan giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Chỉ số men gan ALT là enzyme chuyển hóa protein từ thực phẩm thành năng lượng, được sử dụng để đánh giá tổn thương gan và các vấn đề liên quan. Men gan tăng cao trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Chỉ số ALT ở nam dao động 29-33 IU/L, còn nữ giới là 19-25 IU/L là bình thường. Khi men gan tăng cao, áp dụng một số cách tự nhiên dưới đây góp phần giảm chỉ số này.
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động giúp hỗ trợ cải thiện sức khỏe gan và giảm nguy cơ mắc bệnh gan. Thường xuyên tập các bài tập giúp đốt cháy năng lượng thừa và chất béo tích tụ trong tế bào gan (nếu có), đẩy nhanh quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể.
- Kiểm soát cân nặng hợp lý: Những người béo phì, thừa cân có nhiều khả năng mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Trong khi đó, phần lớn người bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có chỉ số men gan cao. Các nghiên cứu được thực hiện đã chứng minh người béo phì giảm cân có thể cải thiện chỉ số men gan, tác động tích cực đến chức năng của gan.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống ít protein động vật; nhiều protein thực vật, chất xơ, kali, vitamin B6 và axit folic tốt cho gan. Ăn thực phẩm hữu cơ, rau củ quả cũng giúp ích bằng cách giảm mức độ độc tố xâm nhập vào cơ thể. Theo Tổ chức Gan Mỹ, mọi người nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nhất là loại chiên, chứa nhiều đường, chất béo, muối, không ăn động vật có vỏ sống hoặc chưa nấu chín.
- Bổ sung axit folic: Người có lượng folate thấp đối diện nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu cao hơn bình thường. Để chỉ số men gan ở mức ổn định, nên bổ sung axit folic ở dạng tự nhiên thông qua thực phẩm như gan bò, rau chân vịt, đậu đen, ngũ cốc ăn sáng, măng tây, bắp cải, rau xà lách… Người thiếu axit folic nặng nên khám bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn bổ sung lượng vi chất phù hợp.
- Uống cà phê: Nồng độ caffein trong cà phê giúp giảm men gan tăng cao bất thường nhờ đặc tính chống oxy hóa, chống viêm. Uống cà phê mỗi ngày góp phần ngăn tổn thương gan phát triển có thể làm tăng men gan.
- Quản lý cholesterol: Mức cholesterol toàn phần cao hơn và nồng độ men gan trong máu cao có mối liên hệ mật thiết với nhau. Giảm thịt đỏ trong khẩu phần ăn, tránh chất béo không lành mạnh, tăng lượng axit béo omega-3 giúp giảm mức cholesterol xấu.
- Dùng thuốc đúng chỉ định: Lạm dụng một số loại thuốc giảm đau hoặc chất bổ sung gây hại gan. Người bệnh nên uống thuốc đúng liều, đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh uống rượu, hút thuốc và độc tố môi trường: Một số thói quen sinh hoạt có thể ngăn ngừa tổn thương, không làm tăng men gan như hạn chế uống rượu, bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động, chất độc hóa học.
Ngoài 8 cách trên, sử dụng các loại thảo dược như nấm linh chi, nấm thái dương, nấm vân chi… cũng có tác dụng rất tốt với gan . Người bệnh có thể dùng trà hoặc sản phẩm chiết xuất từ các loại nấm này để giúp tăng cường chức năng gan, giải độc gan, hạ men gan.