Người bệnh thoái hóa khớp gối có thể cảm thấy đau đớn, khó khăn khi đi lại nhưng vận động thường xuyên là điều bắt buộc để sụn khớp nhận được đủ dinh dưỡng và duy trì chức năng vốn có.
Đi bộ rất tốt cho người bị thoái hóa khớp gối, giúp tăng cường dịch khớp để nuôi dưỡng và bảo vệ khớp gối đang bị tổn thương, làm chậm quá trình thoái hóa, duy trì chức năng và tính linh hoạt của khớp gối. Ngoài ra, đi bộ còn tăng cường sức mạnh cơ bắp chân, giảm cân hiệu quả, tăng cường lưu thông máu, cải thiện khả năng giữ thăng bằng… từ đó, giảm áp lực tác động lên khớp gối, giúp giảm đau và kiểm soát bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ được phát huy nếu người bệnh đi bộ đúng cách.
Chọn tuyến đường phù hợp
Để đảm bảo an toàn cũng như không đột ngột tăng áp lực lên khớp gối, khi mới bắt đầu đi bộ, người bệnh nên chọn những tuyến đường bằng phẳng, không gồ ghề, thông thoáng và ít xe cộ qua lại như vỉa hè, công viên gần nhà… để tập luyện.
Lựa chọn thời gian tập luyện vào sáng sớm hoặc buổi tối
Tập luyện nhẹ nhàng vào buổi sáng giúp khởi động xương khớp, kích thích khả năng tập trung và giảm đau khớp gối hiệu quả. Trong khi tập luyện vào buổi tối có tác dụng điều hòa cơ thể, cải thiện chất lượng giấc ngủ, phòng ngừa đau và cứng khớp vào sáng hôm sau
Tập luyện vừa sức
Người bệnh nên xây dựng chế độ tập luyện với cường độ từ thấp lên cao, để cơ thể thích ứng dần. Sau khi đã quen với việc tập luyện, hãy cố gắng đi lâu hơn và xa hơn so với lộ trình ban đầu. Thông thường, người bị thoái hóa khớp gối nên đi bộ khoảng 30- 60 phút, với khoảng 6.000 bước mỗi ngày.
Khởi động trước khi tập luyện
Người bệnh bắt buộc phải thực hiện các động tác giãn cơ nhẹ trong khoảng 5-10 phút trước khi đi bộ. Điều này giúp hạn chế nguy cơ khớp gối bị chấn thương trong lúc tập luyện. Ngoài ra, để giảm nguy cơ chấn thương, người bị thoái hóa khớp gối cần lưu ý đi bộ chậm trong 5 phút đầu tiên rồi tăng tốc dần, sau khi kết thúc tập luyện, tiếp tục đi bộ chậm trong 5 phút để hạ nhiệt; khi đi bộ, nhìn thẳng về phía trước, giữ cằm song song với mặt đất, đánh tay đều, sải chân vừa phải.
Mang giày và quần áo thoải mái
Người bệnh nên lựa chọn giày đi bộ thoải mái, linh hoạt, có thể hỗ trợ chân vận động; mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ vận động. Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đi lại nếu cần thiết.
Dừng lại khi cảm thấy đau gối
Người bệnh có thể cảm thấy đau đầu gối trong vài ngày đầu tiên khi mới bắt đầu đi bộ. Lúc này, chườm lạnh trong vòng 20 phút sau khi đi bộ sẽ giúp xoa dịu cơn đau hiệu quả. Tuy nhiên, nếu cơn đau là dấu hiệu cảnh báo chấn thương với những hiện tượng bất thường như đau buốt đầu gối, sưng đỏ… người bệnh cần lập tức đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Thăm khám định kỳ
Ngay cả khi các triệu chứng bệnh có dấu hiệu cải thiện sau khi đi bộ, người bệnh vẫn cần thăm khám định kỳ với bác sĩ để kiểm tra tình trạng khớp gối và nhận lời khuyên về việc điều chỉnh chế độ luyện tập sao cho hợp lý.
Đi bộ chỉ phù hợp đối với những trường hợp thoái hóa dạng nhẹ và trung bình. Nếu tình trạng thoái hóa khớp gối tiến triển nặng, người bệnh sẽ cần những biện pháp điều trị khác thích hợp hơn.