Sau Tết là dịp mọi người tham gia các chuyến du xuân, lễ chùa, thăm hỏi bạn bè, người thân. Các yếu tố như ngồi lâu trên xe máy, ôtô, tàu hỏa hoặc xe buýt chật hẹp làm gia tăng nguy cơ đau nhức xương khớp, thậm chí là khởi phát các triệu chứng như chuột rút, cứng khớp, tê mỏi khớp… gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một tác nhân khác bao gồm môi trường thay đổi từ nóng sang lạnh, chênh lệch áp suất, độ ẩm không khí… tác động đến hệ thống cảm nhận của hệ cơ xương khớp. Ví dụ, di chuyển đến môi trường lạnh, áp suất không khí giảm làm giãn nở mô quanh khớp kích thích dây thần kinh gây đau, dịch khớp cô đặc hơn, khiến bệnh nhân xương khớp dễ tái phát cơn đau. Việc ăn uống quá đà, thưởng thức những món ăn lạ tại các địa điểm du lịch, uống nước ngọt, bia rượu nhiều có thể gây phản ứng viêm khớp, cản trở chuyến du lịch của người bệnh.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người chủ động phòng ngừa và kiểm soát cơn đau xương khớp theo những gợi ý dưới đây:
- Chọn địa điểm tham quan: ưu tiên điểm đến là những nơi thuận tiện di chuyển như đồng bằng, biển, làng hoa, tránh nơi có khí hậu quá lạnh. Thay đổi nhiệt độ đột ngột làm kích hoạt cơn đau gout, thấp khớp, viêm khớp sẵn có. Ngoài ra, nên hạn chế đi nhiều khi nhiệt độ lạnh vì làm tăng thêm mức độ đau khớp.
- Sắp xếp lịch đi hợp lý: không cố gắng quá mức khiến cơ thể mệt mỏi, dễ gặp chấn thương không đáng có. Nên dành thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, có thể chừa lại một vài địa điểm để lần sau ghé thăm.
- Chế độ ăn khoa học: Ăn buổi sáng nhiều, buổi trưa ít hơn buổi sáng và ít nhất vào buổi tối. Nếu nạp năng lượng nhiều vào buổi tối, cơ thể không hoạt động thì năng lượng thừa dễ dẫn đến thừa cân, béo phì. Thừa cân khiến nguy cơ mắc bệnh xương khớp tăng lên.
- Chọn thực phẩm quen thuộc: thay vì thử những món ăn mới và các đặc sản có thể kích thích cơn đau khớp. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm gây kích ứng như đồ ăn nhiều gia vị, món ngọt, đồ chiên rán, gạo nếp và đồ uống chứa cồn. Nên chuẩn bị các loại thuốc điều trị cần thiết (nếu có) để giảm đau khớp, duy trì sức khỏe khớp trong những ngày chơi xuân.
- Uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày: Nếu cơ thể mất nước sẽ lấy nước từ các bộ phận khác (có cả sụn vì sụn chứa khoảng 70% là nước). Việc lấy nước ra khỏi sụn làm giảm khả năng linh hoạt khi khớp cử động dẫn đến đau nhức khớp. Uống nhiều nước còn hỗ trợ thải độc tố gây viêm ra khỏi cơ thể và ngăn ngừa tổn thương các vùng khác hoạt động song song với khớp.
- Chuẩn bị thể lực: Để chuyến du xuân ngày Tết suôn sẻ, mỗi người nên chuẩn bị thể lực thật tốt bằng cách vận động đều đặn mỗi ngày, rèn luyện sức bền, độ dẻo dai cho khớp.
Nếu đau khớp nghiêm trọng hơn, người bệnh nên hoãn chuyến đi, đến ngay các bệnh viện có khoa cơ xương khớp để được kiểm tra và điều trị kịp thời.