Viêm loét dạ dày không chỉ xuất hiện ở người trưởng thành mà còn xuất hiện cả ở trẻ em. Các yếu tố gây bệnh cũng giống như ở người trưởng thành nhưng các biểu hiện dễ nhầm lẫn với tình trạng rối loạn tiêu hóa và do sự chủ quan của phụ huynh nên trẻ điều trị không đúng hướng làm tình trạng ngày một nặng hơn.
Thường gặp ở trẻ những nguyên nhân do chế độ ăn, ép trẻ ăn quá nhiều so với sức làm việc của hệ tiêu hóa, hoặc trẻ lười ăn, ăn quá ít. Nhiều trẻ ăn xong là nôn ói hết và phụ huynh cũng không cho con ăn bù thêm.
Khi trẻ dùng chung muỗng, đũa, tô, chén với người có nhiễm vi khuẩn HP hoặc người lớn có nhiễm HP khi đút cho trẻ ăn có thao tác dùng miệng thử độ nóng của muỗng thức ăn sẽ làm trẻ tăng khả năng nhiễm vi khuẩn HP.
Đối với trẻ ở độ tuổi đi học, việc học hành căng thẳng, thức khuya cũng làm yếu tố bảo vệ dạ dày suy giảm
Biểu hiện bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em
– Đau bụng, quấy khóc: đây là triệu chứng hay gặp nhất khi bị viêm loét dạ dày. Trẻ đau bụng thường khó xác định vị trí như người lớn nên rất dễ bị lầm tưởng là rối loạn tiêu hóa, bị nhiễm giun.
– Buồn nôn và nôn: gặp nhiều ở trẻ em dưới 2 tuổi, thường bị lầm tưởng là do ép trẻ ăn quá nhiều. Tình trạng này làm trẻ thiếu dinh dưỡng, xanh xao.
– Đầy bụng, ợ nhiều: đây cũng là 1 trong những biểu hiện khi trẻ bị viêm loét dạ dày hoặc gặp vấn đề khác về đường tiêu hóa. Phụ huynh thường cho rằng là do trẻ ăn vặt.
– Thiếu máu: trẻ thiếu máu khi bị xuất huyết một cách từ từ, triệu chứng này cũng bị nhầm tưởng với tình trạng giun ký sinh trong ruột non, nhưng khi chảy máu ồ ạt trẻ sẽ đau dữ dội, bị tuột huyết áp, tái xanh…
Viêm loét dạ dày ở trẻ em phải làm sao?
Điều đầu tiên các bậc phụ huynh cần biết à không nên đoán bệnh trẻ em, các dấu hiệu ở trẻ thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn, sự chủ quan của các phụ huynh có thể làm chậm trễ trong việc điều trị cho trẻ.Trong thời gian được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, phụ huynh có thể giúp trẻ làm dịu cơn đau bằng những cách sau:
– Chườm ấm: sẽ giúp làm dịu cơn đau. Có thể sử dụng một chai nước ấm hoặc cho trẻ tắm nước ấm để trẻ dễ chịu và thoải mái hơn. Hoặc có thể đặt một túi sưởi ấm lên trên bụng của trẻ với nhiệt độ vừa phải.
– Xoa nhẹ vùng bụng: xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ sẽ làm trẻ thoải mái hơn.
– Theo dõi bữa ăn của trẻ, không ăn quá ít hoặc quá ép trẻ ăn nhiều, nếu trẻ ăn ít cần ăn thêm bữa. Tập cho trẻ nhai kỹ khi ăn và tuyệt đối không mớm thức ăn cho trẻ hoặc dùng miệng thử độ nóng của thức ăn trước khi đút cho trẻ
– Theo dõi thói quen của trẻ, có hay ăn uống hoặc nuốt những gì ảnh hưởng đến dạ dày không
– Đừng tạo áp lực cho trẻ trong học hành, thi cử.
– Đảm bảo trẻ uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể.
Để phát hiện và chữa viêm loét dạ dày ở trẻ em kịp thời thì điều đầu tiên cần khắc phục chính là sự chủ quan của phụ huynh. Và điều tốt nhất vẫn là phòng tránh những yếu tố gây bệnh cho trẻ.
Source: daday24h.com