Người bệnh viêm khớp có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, đau tim, đột quỵ, hoặc các cơn đau nặng hơn nếu nhiễm cúm, đặc biệt khi trời lạnh.
Thời tiết lạnh vào những ngày nồm ẩm khiến virus cúm phát triển và lây lan mạnh trong cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lớn lẫn trẻ nhỏ. Mặt khác, cơ thể cũng tiêu hao nhiều năng lượng, suy giảm sức đề kháng dẫn đến dễ mắc cúm hơn, nhất là với những người có thể trạng yếu hoặc có bệnh lý nền, điển hình như viêm khớp.
Virus cúm xâm nhập vào cơ thể người bệnh viêm khớp sẽ kích hoạt phản ứng viêm, khiến các triệu chứng sưng tấy, đau nhức và cứng khớp bùng phát dữ dội hơn. Nếu không xử lý kịp thời, phản ứng viêm lan rộng toàn cơ thể có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, đau tim và đột quỵ. Đồng thời, người bệnh viêm khớp có rủi ro nhiễm trùng thứ phát như: nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai, viêm phế quản… từ đó tăng nguy cơ nhập viện.
Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Rối loạn cơ xương BMC cho biết những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp (RA) có tỷ lệ mắc bệnh cúm cao hơn 10,3% so với những người không bị. Đặc biệt, người bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, đau tim và đột quỵ cao gấp 2,75 lần nếu nhiễm virus cúm.
Đặc biệt, nhóm bệnh viêm khớp tự miễn, bao gồm: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến và lupus ban đỏ… liên quan đến sự rối loạn miễn dịch, tức là hệ miễn dịch tấn công chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Vậy nên, để kiểm soát tiến triển của bệnh tự miễn, cần sử dụng một số loại thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch. Các loại thuốc này có thể làm suy yếu chức năng miễn dịch tự nhiên, khiến người bị viêm khớp tự miễn dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm.
Để giảm mức độ đau nhức, căng cứng khớp cũng như nguy cơ nhập viện do biến chứng nặng, người bệnh viêm khớp cần thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm sóc sức khỏe xương khớp và phòng ngừa lây nhiễm cúm.
Để chăm sóc sức khỏe xương khớp, nên tăng cường các thực phẩm giàu omega-3, protein, canxi, kẽm và vitamin D; thường xuyên tập luyện thể dục thể thao; duy trì cân nặng ổn định với chỉ số BMI trong khoảng 18,5-24,9; giữ ấm các khớp; uống đủ nước (tính 40 ml nước trên 10 kg trọng lượng cơ thể)…
Để phòng bệnh, mỗi người nên tránh tiếp xúc với người bị cúm; rửa tay bằng xà phòng và nước; khử trùng các bề mặt thường chạm vào như tay nắm cửa và điều khiển tivi; hạn chế chạm tay vào mắt, mũi hay miệng; đeo khẩu trang khi ra ngoài… Ngoài ra, tiêm vaccine cúm là giải pháp hữu hiệu giúp bảo vệ người viêm khớp khỏi sự tấn công của virus cúm.
Theo các chuyên gia, thời điểm giao mùa đầu xuân, tỷ lệ mắc cúm tăng cao do thời tiết lạnh, cũng như nhu cầu đi lại vui chơi nhiều. Do đó, người dân nên chủ động tiêm phòng cúm 2-3 tuần trước khi bước vào kỳ nghỉ dài nhất năm, đặc biệt là những trường hợp có bệnh lý nền và hệ miễn dịch yếu để kịp sinh kháng thể, tối đa hóa khả năng chống virus cúm. Tiêm vaccine cúm không chỉ phòng cúm hiệu quả đến 70-90%, mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc và tránh nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác.
Ngoài tiêm vaccine phòng cúm và tăng cường chăm sóc sức khỏe, người bệnh viêm khớp cần thăm khám định kỳ để bác sĩ chuyên khoa kiểm tra tình trạng xương khớp. Nếu có biểu hiện bất thường, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời, giúp duy trì hệ xương khớp vững vàng, chắc khỏe.