Người gầy cũng bị gan nhiễm mỡ

Bên cạnh các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì và đái tháo đường type 2, ngay cả những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức bình thường hoặc gầy cũng có thể mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích lũy quá mức trong gan (từ 5% trở lên) dưới dạng triglycerid. Có hai loại gan nhiễm mỡ phổ biến: gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu. Trong nhóm gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì, bụng to, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường là những yếu tố nguy cơ quan trọng.

Gan nhiễm mỡ có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố như thói quen ăn uống, yếu tố môi trường và di truyền, kháng insulin, béo phì với sự tăng sinh tế bào mỡ và thay đổi vi sinh vật đường ruột. Gan bình thường chuyển hóa đường thành năng lượng, nhưng nếu lượng đường không đủ, gan sẽ chuyển sang sử dụng mỡ. Khi mỡ tích tụ trong gan, nó có thể gây ra gan nhiễm mỡ. Điều này thường xảy ra ở người gầy và có chế độ ăn thiếu chất. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến người gầy cũng có thể mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

Ăn uống thiếu dưỡng chất

Người có chế độ ăn uống kém, kiêng khem, giảm cân nhanh (một kg mỗi tuần) hoặc ăn chay không đúng cách có thể thiếu một số dưỡng chất cần thiết cho quá trình lọc và loại bỏ mỡ thừa. Lâu dài, điều này có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ. Hơn nữa, khi cơ thể không nhận đủ dưỡng chất, mức đường trong máu giảm. Lúc này, cơ thể sẽ phân giải mỡ để tạo năng lượng.

Trong quá trình phân giải mỡ, axit béo nhập vào máu quá nhiều, làm tăng axit béo tự do trong máu, gây tích tụ mỡ trong gan. Quá trình này tích lũy theo thời gian. Nếu không vận động, mỡ sẽ tích tụ trong gan mà không được chuyển hóa, góp phần gây bệnh gan nhiễm mỡ.

Uống nhiều rượu

Người thường xuyên uống rượu có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao. Đối với người gầy, việc uống rượu càng tăng nguy cơ bị bệnh. Chất cồn và độc tố trong rượu làm tăng quá trình tiêu hủy lipid và axit béo tự do từ mô mỡ đến gan, gây tích tụ triglycerid và mỡ trong gan. Đồng thời, rượu còn làm giảm hoạt động hoặc ức chế men phân giải các lipoprotein trong máu, gây rối loạn quá trình chuyển hóa lipid trong máu, góp phần gây bệnh gan nhiễm mỡ.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị

Người gầy mắc bệnh gan nhiễm mỡ có thể do sử dụng một số loại thuốc trong điều trị ung thư, HIV, trầm cảm, rối loạn nhịp tim, rối loạn lưỡng cực, đau nửa đầu… Tác dụng phụ của các loại thuốc này ảnh hưởng đến tổng hợp protein và chuyển hóa lipoprotein trong gan, góp phần gây bệnh gan nhiễm mỡ.

Tiếp xúc với môi trường độc hại

Một trong những nguyên nhân khiến người gầy mắc bệnh gan nhiễm mỡ là tiếp xúc, làm việc thường xuyên trong môi trường độc hại như hóa dầu, nhiễm độc phốt pho. Gan có chức năng quan trọng là chuyển hóa và loại bỏ chất độc nhờ tế bào kupffer (đại thực bào trong gan) tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Tuy nhiên, khi tế bào kupffer hoạt động quá mức, chúng sẽ phóng thích các chất gây viêm như leukotriene, interleukin, TNF-α, TGF-β… Chúng gây tổn thương, phá hủy tế bào gan, góp phần gây bệnh gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan…

Gan nhiễm mỡ đang có xu hướng gia tăng. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bao gồm cả những người gầy. Tuy nhiên, gan nhiễm mỡ thường phát triển mà không có triệu chứng rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, do đó, khó phát hiện. Nếu bệnh gan nhiễm mỡ kéo dài, có thể gây ra biến chứng như viêm gan nhiễm mỡ hoặc thậm chí xơ gan và ung thư gan.

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị gan nhiễm mỡ. Do đó, để phòng ngừa và kiểm soát bệnh, cần xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế uống rượu, duy trì chế độ ăn uống và vận động hợp lý. Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Theo dõi mỡ máu và mức đường huyết, kiểm soát mức cholesterol trong máu cũng rất quan trọng để ngăn ngừa gan nhiễm mỡ.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận