Những thói quen phá hủy lá gan

Gan là cơ quan đảm nhận rất nhiều chức năng quan trọng của cơ thể như sản xuất mật để tiêu hóa thức ăn, chuyển hóa dưỡng chất, chuyển hóa thuốc, thải độc cho cơ thể, sản xuất các yếu tố đông máu, tạo ra các yếu tố miễn dịch chống lại nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, một số thói quen hàng ngày dưới đây có thể âm thầm phá hoại lá gan mà chúng ta không biết.

  • Ăn mặn: Sử dụng nhiều muối khi nấu ăn, thường xuyên ăn các loại mắm, dưa chua không tốt cho gan. Nguyên nhân do lượng muối ăn vào cơ thể quá nhiều cản trở đào thải các chất cặn bã thừa ra ngoài. Theo thời gian, chúng làm giảm khả năng hoạt động của gan. Vì vậy, ggười trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên tiêu thụ 5 g muối mỗi ngày. Người mắc các bệnh gan, thận ăn tối đa 2-3 g. Nên hạn chế chấm muối, thức ăn tẩm ướp nhiều muối, thức ăn đóng hộp, tăng cường trái cây, rau củ để cung cấp vitamin cho cơ thể.
  • Uống nhiều rượu bia: Khi rượu bia vào cơ thể chỉ có khoảng 10% lượng cồn đào thải qua nước tiểu, mồ hôi và hơi thở, 90% còn lại đến gan. Khả năng khử độc của gan có hạn, do đó chỉ lọc được khoảng 7 g cồn trong một giờ (tức phải mất trung bình 85 phút mới lọc hết độc của một lon bia 330 ml). Gan đã suy yếu do bệnh lý hoặc gan của người lạm dụng rượu bia, khả năng lọc chất độc yếu hơn bình thường. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày với nam, một đơn vị cồn mỗi ngày với nữ và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 10 g cồn nguyên chất trong dung dịch nước uống, tức tương đương với 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

  • Thường xuyên ăn thức ăn nhanh: Pizza, khoai tây chiên, bánh mì kẹp thịt ảnh hưởng đến sức khỏe của gan do chứa nhiều đường, muối và chất béo. Tiêu hóa các món này dễ khiến gan quá tải, một bữa ăn nhỏ có hàm lượng calo ở mức 2.000, tương đương với tổng lượng calo tiêu thụ cho cả ngày.
  • Ăn uống không điều độ: Gan nhiễm mỡ, béo phì thường do ăn uống không điều độ. Ăn khuya, bỏ bữa sáng, ăn quá nhanh, giảm cân nhanh, quá nhiều chất béo, ít chất xơ… khiến gan làm việc quá tải, dễ dẫn đến suy giảm chức năng. Trường hợp nhịn ăn sáng thường xuyên, cơ quan này không đủ năng lượng để thực hiện vai trò chuyển hóa, các độc tố trong gan tăng, kích hoạt quá mức các tế bào kupffer (đại thực bào thực hiện các phản ứng miễn dịch tại xoang gan) phóng thích ra các chất gây viêm. Đây là yếu tố tăng nguy cơ mắc béo phì, các bệnh tim mạch, đột quỵ.
  • Ít vận động và tập thể dục ngoài trời: Hoạt động ngoài trời, hít thở không khí trong lành, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, bảo vệ gan khỏi những tổn thương nghiêm trọng, góp phần sản xuất mật cho cơ thể. Theo khuyến nghị, mỗi người nên dành 20-30 phút ra ngoài vận động, phơi nắng hàng ngày. Người không thể ra ngoài để tiếp xúc với ánh nắng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ bổ sung vitamin D tổng hợp hoặc tăng cường thực phẩm giàu vitamin.
  • Hút thuốc lá: Chất độc trong thuốc là không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn có thể tổn thương nghiêm trọng đến gan. Bệnh gan tiến triển nhanh hơn ở người hút thuốc so với người không hút thuốc.

Ngoài ra, thói quen thức khuya, ngủ không đủ giấc, uống ít nước, lạm dụng thuốc bổ, quan hệ tình dục không an toàn… cũng có nguy cơ phá hủy gan. Mọi người cần điều chỉnh lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng, vận động khoa học, tiêm vaccine và khám sức khỏe định kỳ, cần đến bác sĩ ngay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận