Suy tĩnh mạch nông là gì và cách điều trị

suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới

Các tĩnh mạch nổi trên da thành từng búi, những mạch máu xanh tím dưới da, hay cảm giác tê mỏi, nhức nhối, khó chịu,… Đây là những triệu chứng điển hình của chứng suy giãn tĩnh mạch nông.

Suy giãn tĩnh mạch nông là gì?

Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch bị suy yếu, thay đổi cấu trúc và giãn to hơn bình thường. Điều này dẫn đến sự suy giảm chức năng đưa máu về tim của tĩnh mạch, khiến máu bị ứ lại tại các tĩnh mạch giãn, tạo nên những thay đổi về huyết động và cấu trúc mô nơi đây. Về lý thuyết, bất kỳ tĩnh mạch nào cũng có thể bị suy giãn, tuy nhiên trên thực tế, suy giãn tĩnh mạch gặp chủ yếu ở phần chi dưới. Nguyên nhân là do các tĩnh mạch này phải chịu đựng sức nặng của toàn cơ thể và ảnh hưởng của trọng lực.

suy giãn tĩnh mạch nông
Suy giãn tĩnh mạch nông nằm ngay dưới da nên rất dễ nhìn thấy

Các tĩnh mạch nông là các tĩnh mạch nằm ngay dưới da và có thể nhìn thấy được, nên khi bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch nông thì rất dễ nhận biệt với các triệu chứng cơ năng như: tĩnh mạch nổi trên da thành từng búi, mạch máu xanh tím dưới da, tĩnh mạch mạng nhện,…

Hậu quả của suy giãn tĩnh mạch nông

Suy tĩnh mạch nông hầu như không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Bệnh chủ yếu gây mất thẩm mỹ, khiến bệnh nhân cảm thấy tự ti, phiền muộn trước sự xuất hiện của các mạch nổi vặn xoắn, mạch máu xanh tím dưới da hay các mảng da bị đổi màu… Bên cạnh đó, bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch nông có thể gặp phải một vài triệu chứng khó chịu như tê nhức, đau mỏi, chuột rút,…

Nhưng càng để bệnh diễn biến lâu, các triệu chứng ngày càng tăng và có thể ảnh hưởng nặng nề hơn đến người bệnh.

Suy giãn tĩnh mạch khi đã hình thành thì không thể tự khỏi mà phải có các can thiệp y tế. Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển ngày càng nặng hơn. Khi chuyển sang giai đoạn cuối, hệ tĩnh mạch của người bệnh có thể giãn to, gây ứ trệ tuần hoàn và loạn dưỡng. Tình trạng này có thể dẫn đến loét, nhiễm trùng.

Tuy nhiên, biến chứng nguy hiểm nhất là sự hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, trôi về tim và gây thuyên tắc phổi – biến chứng rất nặng có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Biện pháp điều trị và cách phòng ngừa

Hiện nay, các phương pháp dùng để điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chủ yếu là dùng vớ y khoa tạo áp lực, chích xơ các tĩnh mạch bị giãn, sử dụng laser và sóng cao tần để triệt mạch và phẫu thuật để lấy đi tĩnh mạch giãn.

Việc chỉ định phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh, sức khỏe của bệnh nhân cũng như kinh tế của người bệnh. Tuy nhiên, sau điều trị nếu bệnh nhân không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thì bệnh có thể tái phát trở lại.

phòng tránh suy giãn tĩnh mạch nông
Cần tránh ngồi vắt chéo chân

Để phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch nông, yếu tố quan trọng nhất là thay đổi chế độ sinh hoạt lành mạnh. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, kiểm soát cân nặng, hạn chế đứng lâu – ngồi lâu và nên thường xuyên tập thể dục là ba biện pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch. Riêng đối với phụ nữ thì còn cần giảm bớt thời gian đi giày cao gót, tránh ngồi bắt chéo chân bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến chứng suy giãn tĩnh mạch chân.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng cần được coi trọng. Việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và các chất bền thành mạch sẽ  giúp bạn duy trì một hệ tĩnh mạch khỏe mạnh. Một số loại thực phẩm cần được bổ sung trong chế độ ăn để giúp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch như: các loại quả thuộc họ cam, quýt; rau, củ, quả sẫm màu,…

Ngoài ra, để chủ động trong bảo vệ thành mạch, có thể dùng thảo dược hoặc sản phẩm được bào chế từ thảo dược có tác dụng bền thành mạch, hoạt huyết để cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch.

Nguồn: techantay

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận