Thiếu máu não do hẹp động mạch cảnh

Bệnh thiếu máu não do hẹp động mạch cảnh rất phổ biến nhưng ít bệnh nhân để ý để khám và điều trị. Nhiều trường hợp bác sĩ thường bỏ quên khi khám lâm sàng cho bệnh nhân. Chỉ đến khi tai biến mạch máu não xảy ra thì có tới 25-30% là do hẹp động mạch cảnh.

Vì sao hẹp động mạch cảnh có thể gây tai biến mạch máu não?

Động mạch cảnh là một cấu trúc khá lớn nằm ở vùng cổ, gồm cả động mạch cảnh trái và động mạch cảnh phải, có thể cảm nhận được nhịp đập của chúng ở hai bên cổ. Chức năng chính của động mạch cảnh là cung cấp máu từ tim lên để nuôi dưỡng não.

Hiện tượng hẹp động mạch cảnh xuất phát từ sự phát triển dày và cứng của mảng vữa xơ trên thành mạch cảnh, gây hạn chế lưu lượng máu chảy đến não. Mảng vữa xơ này có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển và gây tắc nghẽn mạch máu trong não. Bệnh hẹp động mạch cảnh là một trong các nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua vì động mạch cảnh là động mạch lớn nhất cung cấp máu cho não.

Triệu chứng lâm sàng của hẹp động mạch cảnh

Thiếu máu não do hẹp động mạch cảnh

Hẹp động mạch cảnh có thể không có triệu chứng rõ ràng và thường được phát hiện trong quá trình kiểm tra tổng quát hoặc kiểm tra do một bệnh khác (như bệnh tim mạch, tuyến giáp…).

Tuy nhiên, khi hẹp động mạch cảnh gây ra triệu chứng, chúng thường là dấu hiệu của thiếu máu não thoáng qua hoặc cả trường hợp nặng hơn là tai biến mạch máu não. Các biểu hiện có thể bao gồm: tê hoặc liệt chân tay; tình trạng mờ hoặc mất tầm nhìn một mắt, thường chỉ trong một khoảng thời gian ngắn (vài giây, vài phút, vài giờ) trước khi tầm nhìn trở lại bình thường; sự rối loạn trong giọng nói như khó nói hoặc mất khả năng nói. Những triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột.

Có bệnh nhân chỉ bị một triệu chứng, ngược lại có bệnh nhân bị nhiều triệu chứng cùng lúc. Nếu tự phục hồi hoàn toàn trước 24 giờ, gọi là thiếu máu não thoáng qua; còn nếu tồn tại hơn 24 giờ và thường là nhiều tháng, nhiều năm gọi là tai biến mạch máu não thực sự.

Các phương pháp điều trị

  • Phẫu thuật: Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ mảng xơ vữa để giảm nguy cơ tai biến mạch máu não. Phẫu thuật được thực hiện khi độ hẹp của động mạch cảnh là nặng (trên 70-80%) và đặc biệt khi có các triệu chứng lâm sàng liên quan.
  • Can thiệp nội mạch: Đây là phương pháp không phẫu thuật, sử dụng các công cụ thông qua một lỗ nhỏ tại động mạch đùi (bao gồm dây dẫn, ống thông, stent) để đưa đến vị trí động mạch cảnh bị hẹp. Bằng cách mở rộng lòng động mạch bị hẹp và đẩy mảng xơ vữa vào thành động mạch, quá trình này giúp tái thiết lập lưu thông máu lên não. Phương pháp này giúp giảm nguy cơ nhồi máu não và cả trạng thái thiếu máu não thoáng qua. Can thiệp nội mạch thường được thực hiện ngay khi bệnh nhân gặp nguy cơ tai biến mạch máu não. Thời gian điều trị và thời gian nằm viện thường ngắn. Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc dài hạn và tham gia các cuộc kiểm tra định kỳ để theo dõi kết quả điều trị lâu dài, và nếu cần, thực hiện can thiệp bổ sung nếu bệnh tái phát.

Tuy nhiên, phương pháp can thiệp nội mạch có tỷ lệ dưới 5%, có thể gặp hội chứng tăng tái tưới máu não gây phù não, xuất huyết não… hoặc nhồi máu não do cục nghẽn di chuyển trong quá trình can thiệp.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận