Rối loạn giấc ngủ là chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh biểu hiện dưới ba hình thái chủ yếu là mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức ngủ. Dưới áp lực của nhịp sống hiện đại khiến bệnh rối loạn giấc ngủ ngày càng phổ biến.
Rối loạn giấc ngủ thường gặp ở người nào?
Áp lực lớn của xã hội công nghiệp, môi trường sống thay đổi và do kinh tế khiến con người căng thẳng quá mức hay những bức xúc về xã hội, công việc, khủng hoảng tâm lý, tình cảm, stress mạnh làm cho rối loạn giấc ngủ gia tăng.
Thống kê cho thấy 80% số bệnh nhân đến khám đều mắc rối loạn giấc ngủ với các triệu chứng ngáy, ngưng thở khi ngủ. 5% trong số đó ở thời kỳ bệnh quá nặng.
Những người làm công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, căng thẳng rất dễ bị mắc bệnh này. Nhiều nhất là các nhà quản lý, nhà kinh doanh, công nhân kỹ thuật, người làm việc liên tục với máy tính, lái xe…
Các thể bệnh của rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ thưởng biểu hiện dưới 3 hình thái chủ yếu là chứng mất ngủ, chứng ngủ nhiều và tình trạng rối loạn nhịp thức ngủ.
Chứng mất ngủ do rối loạn giấc ngủ
Ở những người này, việc đi vào giấc ngủ và duy trì nó trở nên khó khăn, làm cho thời gian ngủ ít đi và chập chờn không sâu.
Chứng mất ngủ đa phần liên quan đến tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các bệnh rối loạn tâm thần khác, đôi khi là triệu chứng của một bệnh thực thể.
Được gọi là rối loạn giấc ngủ khi mất ngủ xảy ra ít nhất 3 lần/tuần, trong thời gian ít nhất là một tháng. Tình trạng mất ngủ kéo dài làm bệnh nhân lo lắng, sợ hãi thậm chí trầm cảm và hậu quả là càng mất ngủ hơn.
Chứng ngủ nhiều do rối loạn giấc ngủ
Ngủ nhiều được chia làm ba loại chính là ngủ rũ, ngủ nhiều nguyên phát và hội chứng ngừng thở khi ngủ.
- Ngủ rũ là một tình trạng bệnh lý thần kinh mạn tính, có đặc điểm là bệnh nhân đi vào giấc ngủ không thể cưỡng lại được trong khi đang nghỉ ngơi hoặc hoạt động, trừ lúc ăn uống hay vệ sinh.
- Trong chứng ngủ nhiều nguyên phát, ban đêm bệnh nhân ngủ nhiều, nhưng ban ngày lại rất buồn ngủ và hay ngủ gật. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có khả năng chống lại những cơn buồn ngủ này. Tình trạng ngủ nhiều tồn tại ít nhất từ một tháng trở lên và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày.
- Hội chứng ngừng thở khi ngủ có biểu hiện là ngừng hô hấp khoảng 20-40 giây trong khi ngủ. Hội chứng ngừng thở gây giảm bão hòa ôxy và tăng nồng độ carbonic trong máu, làm bệnh nhân có nhiều lúc tỉnh giấc ngắn trong đêm.
Rối loạn nhịp thức ngủ khi bị rối loạn giấc ngủ
Rối loạn nhịp thức ngủ là hiện tượng mất đồng bộ nhịp thức ngủ của người bệnh và của người thường. Quá trình bệnh lý này thường gây những thời điểm tỉnh giấc bất thường trong giấc ngủ, kèm theo những hành vi tự động, lú lẫn tâm thần và quên.
Chính vì vậy mà giấc ngủ ngắn, không sâu, bệnh nhân cảm thấy không thỏa mãn. Nguyên nhân gây bệnh thường là yếu tố tâm lý, nhưng cũng có thể là bệnh thực thể hoặc di truyền.
Những ảnh hưởng đến sức khỏe
Mất ngủ kéo dài làm giảm trí nhớ, khó tập trung chú ý, giảm sút khả năng lao động và hậu quả tất yếu là giảm tính tích cực trong cuộc sống. Mất ngủ còn có nguy cơ phát sinh một số bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh đang mắc.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm hội chứng ngưng thở lúc ngủ sẽ góp phần làm ảnh hưởng đến bệnh tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, đột tử trong đêm, tai biến mạch máu não…
Biện pháp điều trị rối loạn giấc ngủ
Hiện nay, để phát hiện và chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, các bệnh viện sử dụng máy đa kí giấc ngủ có chức năng ghi lại toàn bộ những dấu hiệu bất thường trong giấc ngủ của bệnh nhân qua các kênh điện não, điện tim, điện cơ, thông khí hô hấp, chỉ số oxy.
Từ đó giúp các bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ để điều trị kịp thời và hiệu quả các bệnh như: mất ngủ, ngáy và ngưng thở lúc ngủ; hội chứng chân không yên, cử động chi có chu kỳ hay ngủ rũ, mộng du và nghiến răng…
Bên cạnh đó, cần áp dụng phương pháp vệ sinh tâm lý giấc ngủ như tạo thói quen thức ngủ đúng giờ, tránh dùng thuốc và các chất có thể kích thích thần kinh trung ương, tránh các căng thẳng tâm lý, cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý, hài hoà tránh quá mức, trước khi đi ngủ dùng các phương pháp gây êm dịu cổ truyền như: bấm huyệt, xoa bóp, tắm nước ấm…
Ngoài ra có thể áp dụng các liệu pháp tâm lý (cần có sự hỗ trợ của các nhà tâm lý, thầy thuốc) như thư giãn, luyện tập, âm nhạc…
Chỉ sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ khi các phương pháp trên không có hiệu quả. Khi sử dụng phải có sự chỉ định của thầy thuốc. Không nên tự ý dùng thuốc ngủ vì có thể có tác dụng phụ hoặc lệ thuộc (nghiện) đặc biệt là các thuốc hướng thần.
Nguồn: matngukeodai