Trầm cảm trong thời gian dài dẫn đến những thay đổi thể chất trong não, gây ra sự biến động trong cách thức hoạt động của não. Những tác động này khiến người bị trầm cảm khó tập trung để hoàn thành công việc thông thường. Dưới đây là 4 tác hại của trầm cảm đối với bộ não.
Não bị co lại
Trầm cảm làm ảnh hưởng đến trí nhớ, gây trở ngại trong việc lưu trữ, củng cố và lấy lại ký ức. Mối liên hệ giữa các vấn đề về trí nhớ và trầm cảm có liên quan đến những thay đổi trong não. Vùng hải mã, một phần não có chức năng hình thành ký ức, bị giảm kích thước và hoạt động khi người bệnh bị trầm cảm lâu dài. Sự co rút của vùng hải mã liên quan đến cortisol – loại hormone được cơ thể tiết ra để phản ứng với căng thẳng.
Căng thẳng mạn tính và nồng độ cortisol tăng cao do trầm cảm góp phần gây ra những thay đổi ở vùng đồi thị, dẫn đến ảnh hưởng đến trí nhớ. Nghiên cứu năm 2021 của Trường Đại học Y Gdansk, Ba Lan, cho thấy vùng hải mã là phần não tiếp xúc nhiều nhất với nồng độ cortisol cao. Căng thẳng kéo dài có thể khiến các tế bào thần kinh ở vùng hải mã chết đi, dẫn đến vùng đồi thị bị co rút.
Gây viêm
Theo đánh giá năm 2021 của Trường Đại học Y khoa Hàn Quốc trên 128 nghiên cứu, người trầm cảm có mức độ viêm nhiễm cao hơn người bình thường. Nguyên nhân do căng thẳng gây ra những thay đổi trong hệ thống miễn dịch, tăng phản ứng viêm từ hệ thần kinh trung ương, từ đó phát triển bệnh trầm cảm.
Tình trạng viêm do căng thẳng mạn tính làm gián đoạn các đường dẫn truyền thần kinh (các tế bào não được kết nối gửi tín hiệu từ phần não này sang phần não khác) có hại cho não, có khả năng gây ra trầm cảm.
Giảm tập trung
Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến vỏ não trước trán – vùng não thực hiện các chức năng điều hành, khiến khả năng chú ý và tập trung khó khăn hơn. Các chức năng điều hành như lập kế hoạch, ra quyết định và giải quyết vấn đề bị suy giảm do trầm cảm dẫn đến khó hoàn thành công việc hàng ngày.
Phân tích tổng hợp năm 2018 của trường Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc, dựa trên 104 nghiên cứu, chỉ ra những thay đổi ở vỏ não trước trán có ảnh hưởng đến tâm trạng, động lực và sự chú ý ở người bị trầm cảm.
Các vùng não trước trán có độ dày giảm theo thời gian ở người trầm cảm. Khi điều này xảy ra, người bệnh trầm cảm có thể rối loạn chức năng điều hành, nghĩa là khả năng quản lý cảm xúc, suy nghĩ và hành động bị gián đoạn, ảnh hưởng đến tập trung.
Tốc độ xử lý chậm hơn
Nghiên cứu năm 2019 của Trường Đại học Marburg, Đức và một số đơn vị, trên 461 người, cho thấy người đang bị trầm cảm nặng có tốc độ xử lý chậm hơn so với người đã khỏi trầm cảm nặng và người không gặp tình trạng này.
Ở người gặp khó khăn về tốc độ xử lý, sự chú ý và khả năng tập trung, vỏ não trước trán có xu hướng giảm hoạt động và giảm đồng bộ với các vùng não khác. Nghĩa là các phần khác nhau của não không hoạt động tốt cùng nhau trong các nhiệm vụ. Tuy chưa có nghiên cứu chắc chắn ảnh hưởng của trầm cảm mạn tính lên não có vĩnh viễn hay không, nhưng điều trị giúp người bệnh tốt hơn về mặt cảm xúc, cải thiện sức khỏe não bộ và khả năng nhận thức.
Các dấu hiệu trầm cảm thường là tâm trạng buồn bã, lo lắng hoặc trống rỗng không thể nguôi ngoai, cảm thấy tuyệt vọng, cáu kỉnh, thất vọng hoặc bồn chồn. Mất hứng thú với những thứ từng yêu thích; cô lập bản thân khỏi bạn bè và gia đình; khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều; khó ghi nhớ, tập trung hoặc đưa ra quyết định cũng cảnh báo trầm cảm.