Viêm niêm mạc dạ dày – căn bệnh nguy hiểm cần điều trị kịp thời

Viêm niêm mạc dạ dày

Dạ dày – với nhiệm vụ tiêu hoá lượng thức ăn mà chúng ta nạp vào cơ thể hằng ngày là một cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, dạ dày bị tổn thương dẫn tới tình trạng viêm niêm mạc dạ dày. Tình trạng này không những khiến những cơn đau tấn công bạn thường xuyên, mà còn là căn bệnh nguy hiểm, bởi nếu không được chữa trị kịp thời, thì sẽ biến chứng thành xuất huyết hoặc có khả năng hình thành ung thư dạ dày.

Viêm niêm mạc dạ dày là gì?

Theo các chuyên gia y học, tình trạng viêm niêm mạc dạ dày là hiện tượng của sự tổn thương niêm mạc do những yếu tố ngoại sinh hoặc nội sinh như: nhiễm độc hóa chất, nhiễm khuẩn (vi khuẩn HP), các rối loạn miễn dịch, căng thẳng thần kinh, chế độ ăn uống chưa hơp lý…

Viêm niêm mạc dạ dày
Viêm niêm mạc dạ dày

Người ta chia tình trạng viêm niêm mạc dạ dày thành 2 nhóm là viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mãn tính. Tuy nhiên, dựa trên thực tế điều trị cũng như mức độ của bệnh thì viêm dạ dày mãn tính phổ biến hơn cả.

Viêm dạ dày cấp tính

Đây là tình trạng viêm cấp tính của phần niêm mạc dạ dày, thường có tính chất tạm thời, có thể tiến triển thành loét niêm mạc dạ dày hoặc nặng hơn là dẫn đến xuất huyết niêm mạc.

Đối với bệnh nhân bị viêm niêm mạc dạ dày ở tình trạng nặng, bạn sẽ cảm thấy đau bụng, tập trung nhiều nhất chính là vùng thượng vị, đầy chướng bụng, ợ hơi, ợ chua, ăn không ngon, buồn nôn, hay khó tiêu… Khi tiến triển nặng thành chảy máu, bạn có thể nôn ra máu và đi cầu phân có màu đen.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày cấp tính mà nguyên nhân chủ yếu là do các chất gây tác động mạnh đến niêm mạc như cồn, các chất acid, kiềm, các chất có tính ăn mòn…

Nguyên nhân tiếp theo là do sử dụng lâu dài một số loại thuốc như: Aspirin, thuốc kháng viêm không có steroid…
Do chế độ ăn uống không hợp lý, thường xuyên dùng ớt, rượu, món ăn cay nóng, thực phẩm có tính dị ứng cao…

Do stress tâm lý cũng như stress cơ thể do chấn thương, phỏng diện rộng, chịu tác động bởi tia xạ…
Do bị nhiễm những loại vi khuẩn, virus, thường gặp nhất là vi khuẩn HP – Helicobacter pylori.

Viêm dạ dày mãn tính

Viêm dạ dày mạn tính là tình trạng tổn thương có tính chất kéo dài và tiến triển chậm, có thể lan toả hoặc khu trú tại một vùng của dạ dày (hang vị, môn vị, tâm vị, hoặc viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày). Có thể là viêm phì đại, về sau là viêm teo, thường là thoái hóa teo đét các tế bào tuyến. Đây là triệu chứng xảy ra khi tình trạng tổn thương dạ dày kéo dài, tiến triển chậm và không đặc hiệu.

Viêm niêm mạc dạ dày
Viêm niêm mạc dạ dày

Thông thường, bệnh viêm dạ dày mạn tính thường có những triệu chứng như

  • Cảm giác chướng bụng, nặng bụng, ợ hơi, nhức đầu, mặt đỏ cảm giác đắng miệng vào buổi sáng, buồn nôn, nôn, chán ăn, táo lỏng thất thường.
  • Nóng rát vùng thượng vị: xuất hiện sau hoặc trong khi ăn, dấu hiệu xuất hiện rõ sau khi ăn uống một số thức ăn, thức uống như : bia, rượu, gia vị cay, chua hoặc ngọt. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nóng rát xuất hiện muộn sau bữa ăn.
  • Đau vùng thượng vị : Không đau dữ dội, thường chỉ là cảm giác khó chịu, âm ỉ thường xuyên tăng lên sau ăn.
  • Toàn trạng bệnh nhân có thể gầy đi một chút ít, mệt mỏi, uể oải.

Nguyên nhân dẫn đến việc viêm dạ dày mạn tính cũng do những yếu tố tương tự như trường hợp cấp tính, nhưng không đột ngột mà dai dẳng, kéo dài, thường gặp nhất là ăn uống không hợp lý, vi khuẩn H. pylori, ngoài ra còn do lão hóa cơ thể, cơ thể thiếu hụt một số chất, do bệnh về nội tiết dẫn đến, và các yếu tố tương tự trường hợp cấp tính đã nói ở trên.

Cho dù là viêm dạ dày cấp tính hay mãn tính thì cũng mang đến những tác động xấu cho sức khỏe, chính vì vậy nên để ý nguyên nhân nhằm tránh những yếu tố gây bệnh, đồng thời ngay khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên cần đi khám để xác đinh đúng bệnh và điều trị hợp lý.

Source: daday24h.com

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận